Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa tổ chức phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu. Cơ quan giải trình là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.
Phân giao tổng nguồn xăng dầu năm 2023 là 27,34 triệu m3/tấn
Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định năm 2022 là năm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu trên toàn cầu, bởi tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp và khó lường.
Theo ông Diên, tỉ giá đồng USD và lãi suất tín dụng liên tục tăng cao, cùng với những biến cố của hệ thống ngân hàng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
Sự khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngoại tệ do các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không đáp ứng được điều kiện cho vay và bảo lãnh của ngân hàng... đã ảnh hưởng đến tiến độ và tổng mức nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối.
Tuy nhiên theo ông Diên, cơ bản việc cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước luôn được bảo đảm.
Tổng nguồn cung xăng dầu cung cấp cho thị trường trong năm 2022 đạt 25,58 triệu m3/tấn, vượt 7,3% so với tổng nguồn phân giao, trong đó nhập khẩu xăng dầu là 8,87 triệu m3/tấn, tăng 27% so với năm trước (chiếm 34% tổng nguồn cung); sản xuất xăng dầu trong nước đạt 15,69 triệu m3/tấn, tăng 13,7% (chiếm 61,3% tổng nguồn cung).
Năm 2023, trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường có tính đến yếu tố kinh tế trong nước phục hồi, tăng trưởng cao hơn năm trước, Bộ Công Thương đã thực hiện phân giao tổng nguồn xăng dầu cho các doanh nghiệp ở mức 27,34 triệu m3/tấn, tăng 15% so với số phân giao của năm trước nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.
Điều chỉnh giảm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu
Về công tác điều hành giá các mặt hàng xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc tính toán, xác định, điều hành giá xăng dầu trong nước theo đúng quy định tại Nghị định, bảo đảm phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ Quỹ Bình ổn giá.
Bộ đã chủ động kiến nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu nhằm kiềm chế tốc độ tăng giá xăng dầu trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.
Với việc rà soát, hoàn thiện quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, bộ đã tổng hợp, báo cáo Thủ tướng về phương án sửa đổi, bổ sung nghị định 83 và nghị định 95, trong đó tập trung vào một số vấn đề như thời gian điều hành giá xăng dầu; quyền nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu (quy định về nguồn hàng, tỉ lệ chiết khấu tối thiểu…).
Hồng Anh