Bộ trưởng Công Thương lý giải hiện tượng "khan" xăng dầu cục bộ bất thường

"Khi khan hàng, các thương nhân phân phối quay lại mua hàng để phân phối cho hệ thống bán lẻ của mình đương nhiên sẽ không còn cơ hội và vì thế cũng làm cho sự đứt gãy ở một số nơi" - Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo giải trình tại phiên thảo luận kinh tế xã hội tại Quốc hội ngày 28/10.

Ngày 28/10, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã phát biểu làm rõ vấn đề cung ứng xăng dầu trên phạm vi cả nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, xăng dầu là vật tư chiến lược có ý nghĩa sống còn với mọi quốc gia, mọi nền kinh tế. Hơn thế nữa, vấn đề khủng hoảng năng lượng đã, đang và sẽ ngày càng trầm trọng trên phạm vi toàn cầu do cạnh tranh chiến lược, chiến tranh cục bộ và mục tiêu "zero carbon" vào năm 2050.

Nước ta theo quy định hiện hành, vấn đề quản lý, cung ứng, kinh doanh xăng dầu được giao cho bảy bộ, ngành, cơ quan chức năng và chính quyền 63 tỉnh, thành phố thực hiện.

“Vì vậy, để làm tốt việc này không chỉ cần mỗi ngành, mỗi cơ quan chức năng Trung ương và chính quyền địa phương làm tốt mà quan trọng hơn phải hợp tác được với nhau một cách chặt chẽ, nhuần nhuyễn và hiệu quả, nhất là trong bối cảnh thị trường thế giới và trong nước rất dị biệt như vừa qua” - ông Diên cho hay.

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và các địa phương đã nỗ lực, cố gắng trong quyết sách, các chủ trương, trong chỉ đạo, điều hành thông qua các công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn và cả chính sách xã hội. Vì thế, thị trường xăng dầu nước ta cơ bản được ổn định, tổng nguồn luôn không thiếu, giá cả hợp lý vào nhóm nước có mức bán lẻ thấp nhất trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, ông Diên khẳng định, để xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ, hệ thống thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ ở TPHCM và một số tỉnh phía Nam là điều rất đáng tiếc và bất thường, bởi dù hoàn cảnh khó khăn giống nhau nhưng phần lớn các tỉnh, thành phố, nhất là phía Bắc và miền Trung thì không xảy ra như vậy.

Bộ trưởng cho biết, ngoài nguyên nhân khách quan từ thế giới như biến động tỉ giá, đứt gãy nguồn cung, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao, còn nguyên nhân chủ quan trong nước do doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khó tiếp cận vốn và bảo lãnh tín dụng của ngân hàng.

Ngoài ra, trong bối cảnh khan hàng, nhiều chi phí phát sinh, định mức lỗi thời nhưng chưa được cập nhật đầy đủ, phản ánh trong công thức tính giá khiến doanh nghiệp càng làm càng lỗ; tình trạng thiên tai bão lũ xảy ra cũng khiến các chuyến tàu, chuyến xe chở xăng dầu cung ứng cho bán lẻ chậm trễ.

“Việc cơ quan chức năng triệt phá thành công một số vụ buôn lậu, làm giả xăng dầu với số lượng lớn hàng chục nghìn m3 nên ít nhiều ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh xăng dầu” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ ra.

Lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh, TPHCM và các tỉnh phía Nam có tới 146 trong tổng số 332 thương nhân phân phối, chiếm 44% trên cả nước. Tuy nhiên, rất nhiều thương nhân phân phối đã ký hợp đồng mua hàng của nhiều doanh nghiệp đầu mối nhưng việc mua hàng thường xuyên thì lại không thực hiện. Vì thế, doanh nghiệp đầu mối không thể chủ động nguồn hàng trong kỳ cho hệ thống của mình.

"Khi khan hàng, các thương nhân phân phối quay lại mua hàng để phân phối cho hệ thống bán lẻ của mình đương nhiên sẽ không còn cơ hội, vì thế cũng làm đứt gãy ở một số nơi" - ông Nguyễn Hồng Diên nêu thực trạng.

Doanh nghiệp đang rất cần nới trần vay

Về giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, tập trung chỉ đạo hướng dẫn các doanh nghiệp đầu mối, kinh doanh phân phối chia sẻ nguồn cung trong dự trữ của mình để kịp thời chi viện, ứng cứu trong điều hành.

Thứ hai, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về tiếp cận nguồn vốn bảo lãnh tín dụng, đây được xem là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp xăng dầu có thể tồn tại, phát huy vai trò quan trọng của mình trong cung ứng cho xã hội cho mặt hàng đặc biệt này.

“Hiện doanh nghiệp đang rất cần nới trần vay, cần ưu đãi về lãi suất, cần chia sẻ và hỗ trợ về điều kiện thanh khoản thì mới có thể duy trì được hoạt động” - Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Thứ ba, để doanh nghiệp xăng dầu không lỗ và có lỗ thì cũng trong khả năng chịu được ở thời điểm thị trường xăng dầu có nhiều biến động thì Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành chức năng tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ và cùng các cơ quan chức năng tiếp tục sử dụng công cụ thuế, phí, quỹ xăng dầu và chính sách an sinh khi cần thiết để điều hành giá bán lẻ xăng dầu phù hợp với biến động giá thế giới, đáp ứng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định an sinh xã hội.

Thứ tư, cần tiếp tục triển khai phần mềm quản lý, phân phối kinh doanh xăng, dầu thống nhất trực tiếp từ Bộ Công Thương đến các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đầu mối và thực hiện phân phối; từ các tỉnh, thành phố đến các đại lý bán lẻ trong cả nước nhằm bảo đảm tính khách quan, chính xác, minh bạch, kịp thời; khẩn trương triển khai được rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xăng dầu.

Hồng Anh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục