Ngày nay, việc sử dụng các chất tạo màu trong các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm đã không còn quá xa lạ, bởi các chất tạo màu làm cho thực phẩm có màu sắc vô cùng bắt mắt. Tuy nhiên nếu lạm dụng những phẩm màu không nằm trong danh mục cho phép để chế biến thực phẩm sẽ tiềm tàng những nguy hiểm không ngờ.
Ngày 6/8, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân Tạ Đức M., 31 tuổi vào viện vì mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, kèm theo đi tiểu có nước tiểu màu đỏ.
Bệnh nhân có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh nhưng ba ngày trước nhập viện, bệnh nhân ăn sốt vang được nấu từ thịt bò có cho bột hoa hiên mua tại chợ Yên Phụ - Tây Hồ. Cùng ăn có hai người nữa có biểu hiện tương tự nhưng nhẹ hơn.
Ngay sau đó, các bác sĩ chỉ định bệnh nhân xét nghiệm kết quả cho thấy có tổn thương gan nhưng biểu hiện nặng nhất là thiếu máu cấp với số lượng hồng cầu và huyết sắc tố đều giảm nặng.
Các bác sĩ Khoa cấp cứu Bệnh viện Xanh Pôn xác định đây là trường hợp nặng, nghi do ngộ độc màu thực phẩm công nghiệp và đề nghị gia đình mang gói bột hoa hiên đến kiểm tra. Gói bột hoa hiên có màu cam.
Bệnh nhân được hội chẩn với Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai và chuyển bệnh nhân đến làm xét nghiệm chẩn đoán xác định. Mẫu chạy cho kết quả ngộ độc với chất Acid Orage 7 với hàm lượng 20%, chất này gây thiếu máu và Methemoglobin.
Ở Việt Nam chất này khá dễ dàng mua được trên thị trường. Chất này được dùng để nhuộm màu thức ăn cho đẹp như sốt vang, thịt quay...
Qua tìm hiểu, đây là chất dùng trong nhuộm công nghiệp chủ yếu là nhuộm len. Khi sử dụng những loại thực phẩm có chứa chất này để chế biến thực phẩm, người tiêu dùng có thể bị ngộ độc cấp tính với những triệu chứng như nôn, có khi nôn ra máu, đau bụng, đi ngoài nhiều lần (phân nước, có thể lẫn máu), thậm chí bị suy gan, suy thận, tích lũy chất độc lâu ngày dẫn đến ung thư...
Điều đáng lo lắng là ở Việt Nam chất này khá dễ dàng mua được trên thị trường. Nó được dùng để nhuộm màu thức ăn cho đẹp như sốt vang, thịt quay…
Các chuyên gia thực phẩm phân tích, phẩm màu có hai loại, gồm phẩm màu tự nhiên và hóa học.
Phẩm màu tự nhiên thường có màu sắc không rực rỡ do được chiết suất từ chất hữu cơ như củ, quả, lá... Do vậy, khi chế biến, người dùng phải sử dụng một lượng lớn thì mới tạo được màu sắc bắt mắt cho thực phẩm.
Phẩm màu hóa học thì ngược lại, dùng lượng ít nhưng màu sắc rất rực rỡ. Bằng mắt thường khó có thể phân biệt đâu là phẩm màu tự nhiên, đâu là phẩm màu hóa học. Tuy nhiên, thực phẩm có màu càng sặc sỡ thì nguy cơ dùng phẩm màu hóa học càng cao, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người càng nghiêm trọng.
Nhưng trên thực tế, có không ít trường hợp vì lợi nhuận nên đã sử dụng chất màu công nghiệp để thay thế, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.
Hải Lâm