Cảnh báo tình trạng làm giả hồ sơ thương mại vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới

Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện hình thức gian lận thương mại bằng cách lợi dụng các hợp đồng thương mại hợp pháp hóa các hóa đơn chứng từ, kê khống hóa đơn để vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Theo Đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua, Công an tỉnh Lạng Sơn đã xử lý và khởi tố nhiều vụ việc như vậy, có sự việc từ năm 2020 đến năm 2022 (thời điểm bị phát hiện), các đối tượng đã tổ chức chuyển đi thành công ra nước ngoài với tổng số tiền hơn 100 triệu USD.

Một tiểu thương thường xuyên làm thủ tục XNK hàng hóa qua biên giới Việt - Trung cho biết, việc chuyển tiền ra nước ngoài là một loại “dịch vụ ngầm” cho lợi nhuận rất cao. Bằng hình thức giả mạo việc thanh toán giao dịch hàng hóa, dịch vụ trong thương mại quốc tế để thực hiện chuyển tiền ra nước ngoài trái phép được diễn ra hợp pháp, thông qua nghiệp vụ thanh toán quốc tế của ngân hàng.

Để thực hiện, đối tượng phải làm giả các hồ sơ thương mại quốc tế, bằng cách mua (hoặc mượn) hồ sơ pháp nhân của các doanh nghiệp (có chức năng XNK hàng hóa). Khi có hồ sơ, sẽ căn cứ vào đó để làm các thủ tục của bộ hồ sơ thương mại quốc tế, gồm hợp đồng thương mại, phụ lục hợp đồng, công văn đề nghị mở tài khoản, giấy ủy quyền, lệnh chuyển tiền, giấy đề nghị bán ngoại tệ, lệnh chuyển tiền, yêu cầu chuyển tiền...

Ngoài ra, trong các hồ sơ thương mại phục vụ cho việc chuyển tiền tại các ngân hàng, người thực hiện hành vi còn phải làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức có liên quan, chẳng hạn như thủ tục hải quan, chứng chỉ xuất xưởng hàng hóa của nhà sản xuất (CO, CQ...).

Sau khi có hồ sơ thương mại, các đối tượng móc nối với nhân viên ngân hàng, cụ thể là bộ phận thanh toán quốc tế, để làm các thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài theo yêu cầu của khách. Số tiền thu lợi sau khi trừ đi các chi phí mua hồ sơ, phí ngân hàng, các đối tượng chia nhau theo tỷ lệ đã thỏa thuận từ trước.

Quá trình chuyển tiền, không nhất thiết số tiền này có xuất xứ từ Việt Nam mà có thể được chuyển từ nước ngoài về (theo đường tiểu ngạch, qua các kênh không hợp pháp), rồi bằng hoạt động chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài, nguồn gốc đồng tiền đã được “rửa sạch” vì mang danh nghĩa đơn vị đối tác nước ngoài thanh toán hợp đồng thương mại quốc tế.

Đại tá Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, đây là hình thức gian lận thương mại mới và gây rất nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, một số khó khăn còn tồn tại như sự phối hợp giữa các đơn vị chưa thực sự chặt chẽ và hiệu quả; công tác hỗ trợ tư pháp về kinh tế của phía Trung Quốc trong quá trình điều tra xác minh còn nhiều khó khăn…

Việt Anh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục