Ngày giờ phút giây… trôi, chẳng hay, bao nhiêu lít tiết động vật, bao nhiêu lít dược tửu “chui” vào bụng thiên hạ? Chịu! Chỉ Giời mới biết! Và Giời còn hay: “Người quê ta” hễ khoái loài vật nào thì vật luôn đánh tiết canh; hễ chuộng thứ “cây” - “con” gì thì bỏ vô ngâm rượu uống. Sự ấy gọi là “Chén tuốt, uống tuốt”!…
Tiết canh trâu (Ảnh minh họa)
Tiết canh: Vô số loài!
Chú ngan hơn 3 cân, đang giẫy đành đạch. Sau một hồi thì ló ra 12 bát tiết canh đầy tú hụ. Một rổ rau sống. Rồi mắm muối, hành tỏi…
Miễn cưỡng. Ngập ngừng…
Chỉ dám “cưa đôi!” bát tiết canh, nhân ngồn ngộn mà tiết một dúm.
Chửa kịp “cưa đôi”, tiết đã hóa lỏng chảy tuồn tuột xuống đáy bát, loãng phè phè. Nom mà ghê.
Chắc chắn, bát tiết canh... đánh hỏng!
Ngó vội các bên, ai nấy nhồm nhoàm.
Rồi thì hai ba… dzô…
Có ai thèm quan tâm tới dịch cúm gia cầm, gia súc luôn tiềm ẩn?
Thông tin tứ chiếng có rót vô tai họ thì họ bĩu môi lên, buông câu xanh rờn: “Cái đồ nhát… chết!”.
Hễ mà có phân bua đôi điều, thể nào cũng nhận được từ những cái loa đồng thanh phát ra, đại loại “dở người à!”; “ngoẻo có số!”…
Chuyện sài tiết canh bây giờ đâu còn lạ khi hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, bất kể là mùa nào, bất kể đâu đâu, đều có thể rôm rả: Tiết canh!
Tiết canh cũng có dăm bảy loại. Có người thích thứ con này, người khác lại khoái khẩu thứ con kia.
Và người nào tợn ăn, thì con gì cũng chén, miễn là đánh được tiết canh!
Bây giờ, có bao nhiêu thứ con có thể dùng đánh được tiết canh?
Đố sành!
Chỉ có thể nêu ra đây một số loài mà người mình mỗi khi “vật” chúng, thường đánh tiết canh: Ngan, vịt, ngỗng, gà (hãn hữu), lợn, ngựa, dê, bê, chó, nhím, chim sẻ, tôm hùm…
Không chừng cứ đà này, nay mai, người ta tiếp tục vật bò, trâu, mèo rồi cả… khỉ mà đánh tiết canh?
Theo các chuyên gia, bệnh nhân nhập viện do ăn tiết canh, chủ yếu là người mắc cúm A/H5N1 do ăn tiết canh ngan, vịt, lợn…
Nhiều người quan niệm, tiết canh bổ, mát!
Nhưng trong suy nghĩ của các bác sỹ thì đó là món ăn cực kỳ mất vệ sinh, là một ổ bệnh với hàng chục loại vi khuẩn gây hại cho con người có trong máu động vật.
Trường hợp động vật giết thịt bị nhiễm bệnh, thì con số này sẽ thay đổi chóng mặt…
Tửu lạ: Đầy cây - con
Thức nhắm ngon thường đi với món tửu lạ. Càng lạ càng quý!
Lâu nay, người ta cứ “đè” những thứ cây - con ăn vào không chết để mà ngâm rượu:
Rắn, tay - mật gấu, hổ cốt, mật bò tót, cao ngựa bạch, nhung hưu, nhộng tằm, ong rừng, dái dê, tắc kè, bìm bịp, chuột, rùa, cá ngựa, sao biển, hải sâm, tu hài, đông trùng hạ thảo; quả vải, quả nhãn, quả dâu, quả táo mèo, quả mơ, quả mít; vỏ cam, cây mật gấu, tầm gửi (mọc trên cây gạo), rễ cây thuốc phiện, phấn hoa, sâm nhung, hoa cau, dâm dương hoắc, a pa gông…
Món nhắm ngon thường đi với món tửu càng lạ càng quý...
Phải người sành, phải các nhà chuyên nghiên cứu về lĩnh vực này mà đếm, mà tính, có khi lên tới hàng trăm thứ cây - con có thể ngâm rượu uống.
Anh Cương, khu tập thể Bắc Nghĩa Tân (Cầu Giấy - Hà Nội), ngâm nhiều chum rượu, tổng cộng 1.200 lít với 26 thứ - tinh đồ sành điệu.
Anh Cương nói vui:
“Đối với người mình, cứ con - cây gì ăn được thì đều bỏ tuốt ngâm rượu, không bổ bộ phận này thì bổ bộ phận kia. Cái sự bổ - ấy là theo cách suy diễn của mấy nhà khoa học.
Đôi khi là lời nói kháy của một số người, nhất là những “ma rượu”.
Nhiều người chuộng 2 loại là dâm dương hoắc và ong… thuốc phiện.
Dâm dương hoắc, một loại cây mọc trên núi, loài dê núi khoái khẩu ghê. Ngược vùng cao, mua được thứ cây này về ngâm rượu, thì cứ gọi là “thôi rồi”...”.
Cũng theo anh Cương:
"Ong, phải là ong đất, sống ở vùng cây thuốc phiện (bây giờ, người ta trồng khoanh thành những vùng nhỏ kín đáo trong những hẻm núi cao, rừng sâu).
Ong hút mật hoa cây anh túc (thuốc phiện), kiếm được cả tổ, cắt bỏ phần xác xơ lẫn con già xung quanh, chỉ lấy phần trong, bỏ ngâm rượu thì tuyệt”.
Từ lâu, uống rượu thuốc (dược tửu) dường như đã trở thành "mốt" của nhiều người.
Không chỉ giới bình dân, những người đã có gia đình ngâm uống tại gia, mà các quán rượu, nhất là quán rượu dân tộc, cũng mọc lên như nấm.
Có đủ tầng lớp thanh niên, sinh viên, công nhân, phụ nữ, những vị chức sắc… rủ nhau đi thưởng thức.
Rượu thuốc là một chế phẩm hết sức độc đáo của y học cổ truyền. Việc dùng rượu thuốc để trị bệnh nói chung và bồi bổ "sức mạnh đàn ông" nói riêng - đã có một lịch sử rất lâu đời.
Tuy nhiên, vì hiểu biết chưa đầy đủ nên không ít người đã sử dụng rượu thuốc một cách tùy tiện theo kiểu “vớ gì ngâm đấy”, “uống gì bổ nấy”, thậm chí có khi còn lạm dụng…
Suy nghĩ như thế thì thật là một sai lầm!
Và người ta đua nhau uống đủ các loại rượu thuốc (rượu ngâm) - được coi là rất "bổ".
Chính việc thưởng thức một cách vô tội vạ rượu thuốc như hiện nay của nhiều người dẫn đến bồi bổ chẳng thấy đâu, ngược lại nhiều khi còn đưa đến những tai họa khôn lường...
Xuân Phong