Chuyển đổi số báo chí: Thời cơ và thách thức

Theo nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung và ChatGPT nói riêng thực sự là bước ngoặt quan trọng về mặt công nghệ, đang tạo ra nhiều cơ hội cũng như nhiều thách thức với mọi ngành nghề, trong đó, báo chí - truyền thông cũng không phải ngoại lệ.

Nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), phóng viên Tạp chí Thương hiệu & Công luận đã có cuộc trao đổi với nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - liên quan đến chuyển đổi số báo chí.

Độc giả thay đổi thì báo chí phải thay đổi

Ông đánh giá như thế nào về thực trạng chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí thời gian gần đây?

Tuy đã có một số cơ quan báo chí tại Việt Nam, trong đó có cả các cơ quan báo chí lớn cũng như những tòa soạn quy mô vừa và nhỏ ở địa phương, triển khai công tác chuyển đổi số và đã đạt được những thành tựu bước đầu, song cần thẳng thắn thừa nhận rằng tiến trình chuyển đổi số báo chí ở đa số các cơ quan báo chí khác là khá chậm chạp.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo về vấn đề này. Chính phủ cũng đã phê duyệt “Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với những yêu cầu và mục tiêu rất cụ thể. Song, đến bây giờ, nhiều lãnh đạo báo chí vẫn hỏi chuyển đổi số thì thực sự phải làm gì, khi nào nên bắt đầu, liệu có tốn kém quá không…

Cũng có những lãnh đạo tòa soạn xây dựng chiến lược với tên gọi chuyển đổi số nhưng thực chất chỉ là mua sắm một số máy móc, thiết bị và phần mềm. Một số khác thì thấy yên tâm với việc báo đã có một website để ngày ngày đăng tải tin tức, đã có fanpage trên Facebook hoặc tài khoản TikTok thỉnh thoảng có những status vài nghìn like hoặc vài video đạt mấy trăm nghìn lượt xem, và nghĩ rằng như vậy là đã chuyển đổi số rồi.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Với vai trò Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, theo ông, các mục tiêu được nêu trong Quyết định trên liệu có khả thi?

Những mục tiêu trong Chiến lược chuyển đổi số mà Chính phủ vừa phê duyệt là hoàn toàn khả thi. Nhưng theo tôi, đó chỉ là định hướng của Chính phủ và mang tính gợi mở, hướng dẫn là chính.

Chuyển đổi số như thế nào và đạt được kết quả ra sao thuộc thẩm quyền và quyết tâm của từng tòa soạn. Nếu đòi hỏi chuyển đổi số không xuất phát từ nhu cầu tự thân của từng tòa soạn thì mọi mục tiêu đều chỉ là con số. Nói đơn giản thế này: chuyển đổi số hay không và đạt kết quả ra sao phục vụ chính lợi ích của tòa soạn đó chứ không phải nhằm đạt mục tiêu mà Chính phủ đề ra.

Độc giả đã “di cư” lên nền tảng số rồi, nếu báo chí không hiện diện ở đó thì phục vụ ai, thực hiện chức năng tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước thế nào? Không phục vụ được công chúng, độc giả thì sự tồn tại của một cơ quan báo chí không còn giá trị.

Vậy nên đừng loay hoay với việc có đạt được mục tiêu mà Chính phủ đề ra hay không, mà hãy trả lời câu hỏi sát sườn hơn là tờ báo của mình có tồn tại được hay không.

Làm sao để chuyển đổi số báo chí không chỉ mang tính hình thức, hô hào, thưa Chủ tịch?

Câu hỏi này chúng tôi không trả lời thay các cơ quan báo chí được. Bản thân các cơ quan báo chí hãy bắt tay làm những gì là cần thiết để tồn tại, tốt hơn là phát triển, trong thế giới cạnh tranh gay gắt này.

Nếu cảm thấy thuật ngữ “chuyển đổi số” xa vời quá, khó hiểu quá, thì hãy định hướng thế này: độc giả thay đổi rồi nên báo chí phải thay đổi, độc giả ở đâu thì báo chí phải ở đó. Độc giả lên nền tảng số rồi thì báo chí cũng phải chú trọng nền tảng số. Có ai bắt báo chí phải hô khẩu hiệu đâu. Hãy bắt tay vào làm đi, đừng ngần ngại nữa, đừng đặt câu hỏi nữa.

Không phân biệt “báo lớn” - “báo nhỏ”

Theo chủ trương quy hoạch báo chí, nhiều cơ quan tạp chí bị siết chặt về tôn chỉ - mục đích. Vậy, làm thế nào để các cơ quan báo chí này vừa chuyển đổi số thành công mà vẫn hoạt động đúng tôn chỉ - mục đích, tối đa hóa năng suất, tối thiểu hóa chi phí, tối ưu hóa hiệu quả quản lý?

Khi một cơ quan chủ quản xin phép thành lập cơ quan báo chí thì đều nêu rõ mục đích của việc thành lập là tuyên truyền cho những lĩnh vực hoạt động cụ thể. Để có được giấy phép ra báo, mỗi đơn vị đã tự nhấn mạnh nhu cầu và thế mạnh của chính mình, và giấy phép được phê chuẩn cũng dựa trên những đề xuất cụ thể như thế.

Vậy thì phải hoạt động đúng với những gì đã xin và đã được cho phép chứ không thể lấy lý do “tối ưu hóa” mà hoạt động ra ngoài phạm vi giấy phép. Và chuyển đổi số hay không thì không liên quan đến vấn đề tôn chỉ - mục đích.

Nhiều cơ quan báo chí phải tự hạch toán, cơ sở vật chất, tiềm lực kinh tế không thực sự dồi dào. Bài toán đặt ra đối với các cơ quan báo chí này là làm gì để vừa chuyển đổi số thành công, vừa thúc đẩy các mô hình kinh tế báo chí mới vào chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa nguồn thu cho họ. Hội Nhà báo Việt Nam có định hướng hay hỗ trợ nào đối với các cơ quan báo chí này hay không, thưa Chủ tịch?

Cần lưu ý rằng báo chí hoạt động theo cơ chế thị trường thì cũng là một thành phần phải tuân thủ theo quy tắc của cơ chế thị trường. Hoạt động hiệu quả thì có cơ hội tạo nguồn thu, hoạt động kém thì mời quảng cáo giá rẻ hoặc miễn phí cũng chưa chắc có doanh nghiệp quan tâm.

Báo chí lại là sản phẩm đặc biệt, hiệu quả phụ thuộc vào uy tín của báo, thể hiện qua chất lượng nội dung và sự quan tâm của công chúng, độc giả. Theo nguyên tắc của thị trường, mỗi tờ báo phải tự thân vận động, phải tự chuyển đổi khi mô hình hiện tại trở nên lạc hậu, tồn tại và phát triển được hay không trước hết phụ thuộc vào năng lực của chính mình.

Ở góc độ nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam không phân biệt báo lớn hay báo nhỏ, không ưu tiên dù là cơ quan báo chí trung ương hay địa phương.

Mỗi năm, Trung tâm đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức từ 100 đến 120 khóa đào tạo về nhiều chủ đề và lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả kỹ năng báo chí lẫn kinh tế báo chí, hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước, có thể ở các thành phố lớn và tổ chức ở cả các địa phương.

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, chúng tôi gợi ý việc đa dạng hóa nguồn thu từ rất nhiều năm rồi, mời cả chuyên gia nước ngoài đến phổ biến kinh nghiệm, nhưng xem ra hầu hết các cơ quan báo chí vẫn chỉ trông chờ vào nguồn thu quảng cáo mà thôi. Hội Nhà báo Việt Nam chỉ có thể hỗ trợ về đào tạo hoặc giới thiệu mô hình để các báo tham khảo, còn triển khai hay không và áp dụng như thế nào là sự chủ động của các báo.

Nói đến chuyển đổi số báo chí là nói đến việc đổi mới hạ tầng công nghệ báo chí. Việc thúc đẩy các hạ tầng công nghệ mới phải dựa vào pháp luật về công nghệ phù hợp. Theo đánh giá của ông, hệ thống cơ sở pháp lý và các văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta có bắt kịp những đổi mới về công nghệ đang dần được áp dụng trong báo chí hiện đại hay không?

Không có bất kỳ văn bản nào cấm cơ quan báo chí không được đầu tư hạ tầng công nghệ hỗ trợ hoạt động của tòa soạn. Các báo có thể tự đầu tư hosting nếu khả năng cho phép, mua các hệ thống quản trị nội dung, các máy móc thiết bị hiện đại nhất, kể cả các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi hành vi người dùng và đề xuất các nội dung cá nhân hóa.

Xây dựng tòa soạn theo hướng văn phòng thông minh (smart office) để quản trị trên môi trường số đâu còn là chuyện xa lạ và thực tế một số cơ quan báo chí đã làm rồi. Cái gì pháp luật không cấm thì được phép làm thôi.

Ông có thể chỉ ra những thách thức về an toàn, an ninh thông tin khi báo chí thực hiện chuyển đổi số?

Kết nối trên nền tảng digital mang lại vô vàn lợi ích nhưng cũng vấp phải nguy cơ bị tấn công trái phép bằng nhiều hình thức, từ thô sơ cho đến tinh vi nhất, dẫn đến việc mất dữ liệu hoặc bị chiếm quyền kiểm soát, thay đổi nội dung, xóa dữ liệu và nguy hiểm hơn là xâm phạm quyền riêng tư của các độc giả đăng ký hoặc các khách hàng quảng cáo.

Đây là vấn đề muôn thuở và luôn được cảnh báo từ khi các cơ quan báo chí bắt đầu xây dựng website, ứng dụng mobile chứ không phải chờ đến bây giờ. Bất kỳ chiến lược hay đề án công nghệ nào cũng phải đi kèm với kế hoạch đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.

Cơ hội, thách thức với người làm báo

Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Vậy, ông đánh giá như thế nào về yếu tố con người trong chuyển đổi số báo chí? Vai trò của phóng viên, nhà báo ra sao?

Các chuyên gia đã khẳng định rằng chuyển đổi số là nói đến con người chứ không phải công nghệ. Chúng tôi cũng đã nhấn mạnh điều này tại nhiều hội nghị, hội thảo trong thời gian qua.

Theo Báo cáo Xu hướng Báo chí Thế giới 2020-2021 (WAN-IFRA), chuyển đổi số là một chiến lược tổng thể, còn kế hoạch cụ thể là đẩy mạnh các kế hoạch coi độc giả là trung tâm, tăng doanh thu từ độc giả, phát triển sản phẩm và chú trọng dữ liệu.

Anita Zielina, Giám đốc Sáng tạo và Lãnh đạo thuộc Trường Báo chí Craig Newmark của Đại học City University of New York (CUNY), khẳng định: “Chúng ta có thể tạo ra hàng trăm sản phẩm mới, phát triển ứng dụng mới, làm đủ thứ, nhưng rốt cục những sản phẩm mới đó chẳng giúp gì nếu chúng ta không có tư duy mới - nếu chúng ta không giải quyết những vấn đề văn hóa cốt lõi: phong cách lãnh đạo, sự phối hợp, cách tương tác với độc giả, và cả cách tương tác với nhau trong cơ quan báo chí!”.

Mua sắm thiết bị hay công nghệ hiện đại không phải là chuyện khó. Khả năng thích nghi với một tương lai digital của mỗi cơ quan tùy thuộc vào việc phát triển một thế hệ những kỹ năng mới, thu hẹp khoảng cách cung cầu về nhân lực chất lượng cao, khai phá tiềm năng của chính mình và những người khác để vượt qua mọi thử thách.

Không thể phủ nhận rằng công nghệ đóng vai trò then chốt trong chuyển đổi số nói chung cũng như chuyển đổi số báo chí nói riêng. Song, liệu rằng có tiềm lực kinh tế, có công nghệ là có tất cả? Ông đánh giá như thế nào về việc chuyển đổi tư duy, đặc biệt là tư duy của người lãnh đạo về chuyển đổi số trong cơ quan báo chí?

Công nghệ hay tiền bạc chỉ là công cụ, chuyển đổi số cũng chỉ là phương tiện giúp chúng ta đạt được mục đích cuối cùng là đưa thông tin đến được với độc giả, khán - thính giả. Nói cách khác, dù áp dụng bất kỳ biện pháp nào thì rốt cục báo chí phải tiếp cận được đối tượng của mình.

Nhưng bây giờ là thời kỳ mà báo chí không thể không đồng hành với công nghệ? Vì thế, các tập đoàn báo chí thì hướng tới mô hình “media-tech”, còn các tập đoàn công nghệ thì cố gắng trở thành “tech-media”.

Nội dung báo chí có hay mấy đi chăng nữa thì cũng không thể niệm câu thần chú “hữu xạ tự nhiên hương” khi một bông hoa thơm ngát có khả năng bị bủa vây bởi một rừng hoa. Ngược lại, các tập đoàn công nghệ giàu có muốn đầu tư vào báo chí thì phải đầu tư vào chính những con người bằng xương bằng thịt chứ không thể chỉ dùng máy móc.

Chắc chắn là một ban lãnh đạo - dù tài giỏi hay yếu kém - đều có ảnh hưởng tới từng bộ phận, từng lĩnh vực của một đơn vị. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ít nhất 50% hiệu quả hoạt động của đơn vị đó phụ thuộc vào cá nhân người lãnh đạo. Trong bối cảnh chuyển đổi số, không thể nào trông đợi những thay đổi lớn nếu không bắt đầu bằng việc lựa chọn và phát triển các lãnh đạo cấp cao nhất.

Sự xuất hiện của các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT đang đặt ra thách thức lớn đối với giới báo chí - truyền thông. Những người làm báo cần làm gì để đối mặt với thách thức này, cũng như tận dụng cơ hội mà trí tuệ nhân tạo mang lại?

Trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung và ChatGPT nói riêng thực sự là bước ngoặt quan trọng về mặt công nghệ, đang tạo ra nhiều cơ hội cũng như nhiều thách thức với mọi ngành nghề, trong đó, báo chí - truyền thông cũng không phải ngoại lệ. Nhiều người rất hào hứng và nghĩ rằng các công cụ AI này có thể trút bỏ nhiều gánh nặng trong công việc, và cũng có nhiều người khác lo ngại rằng AI có thể đe dọa khiến họ mất việc làm.

Nhưng không phải cứ mua thiết bị hay phần mềm hiện đại về là chất lượng sẽ được nâng lên. Mọi chuyện còn tùy thuộc vào đội ngũ nhân sự có biết sử dụng hiệu quả hay không. Chẳng hạn như việc sử dụng công cụ tạo hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo Midjourney, nếu không biết cách viết các câu lệnh thì hình ảnh sẽ không bao giờ như ý muốn. Hoặc mua công cụ làm đồ họa tương tác nhưng cần biết cách xây dựng dữ liệu để tải lên và có tư duy mỹ thuật để sản phẩm đẹp và dễ hiểu cho độc giả.

Lãnh đạo cơ quan báo chí thời nay cần cần nắm được xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, định hướng cho đơn vị về việc áp dụng công nghệ mới cũng như các mô hình kinh doanh đa dạng. Phóng viên cần có những kỹ năng nhất định về công nghệ, ví dụ như cách thức sử dụng các thiết bị, phần mềm, thậm chí cả kiến thức cơ bản về lập trình, chưa kể những kiến thức về truyền thông xã hội, về làm thương hiệu cho báo và cá nhân.

Trân trọng cảm ơn ông!

Việt Anh - Duy Khánh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục