Lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa thu giữ số lượng lớn thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ khi kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Y dược cổ truyền Dược Minh Quang Đường.
Lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa thu giữ số lượng lớn thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ khi kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Y dược cổ truyền Dược Minh Quang Đường
Theo đó, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 10 thuộc Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Thanh Hoá tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Công ty TNHH Y dược cổ truyền Dược Minh Quang Đường (địa chỉ tại Thôn 2, xã Nông Trường, huyện Triệu sơn, tỉnh Thanh Hóa) do ông Tô Văn Quảng là giám đốc.
Tại thời điển kiểm tra, Công ty TNHH Y dược cổ truyền Dược Minh Quang Đường đang kinh doanh và tổ chức đóng gói, dán nhãn hàng hóa và xuất bán ra thị trường.
Ông Tô Văn Quảng - giám đốc Công ty TNHH Y dược cổ truyền Dược Minh Quang Đường chưa xuất trình được bất cứ giấy tờ nào có liên quan đến hàng hóa và hoạt động sản xuất, đóng gói hàng hóa của công ty. Hàng hóa phát hiện tại thời điểm kiểm tra gồm 678 lọ/hộp là thực phẩm chức năng các loại, 39 kg là nguyên liệu phục vụ cho đóng gói, dán nhãn và 01 máy in là phương tiện phục vụ cho việc đóng gói.
Đội QLTT số 10 đã niêm phong và tạm giữ toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm theo quy định để tiếp tục xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định.
Theo Điều 9 Nghị định 67/2016/NĐ-CP thì điều kiện đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng được quy định như sau: Tuân thủ các điều kiện quy định tại Điều 6 và Điều 7 Nghị định này. Đối với cơ sở nhập khẩu phải có kho hoặc khu vực bảo quản riêng phù hợp yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất. Việc kinh doanh thực phẩm chức năng trong cơ sở bán lẻ thuốc phải bố trí có khu bày bán riêng, chỉ dẫn khu vực và biển tên đối với thực phẩm chức năng.
Theo Điều 6 Nghị định 67/2016/NĐ-CP thì điều kiện đối với cơ sở kinh doanh bao gồm: Có đủ diện tích để bố trí các khu vực bày bán thực phẩm, khu vực chứa đựng, bảo quản và thuận tiện để vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm. Không bị ngập nước, đọng nước. Không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng và các nguồn ô nhiễm khác. Kết cấu cơ sở kinh doanh phù hợp với tính chất, quy mô; xây dựng bằng vật liệu bảo đảm vệ sinh, an toàn.
Tường, trần nhà nhẵn, sáng màu, làm bằng vật liệu bền, chắc, không bị dột, thấm nước, không rạn nứt, rêu mốc, đọng nước và dính bám các chất bẩn. Khu vực vệ sinh phải được bố trí ngăn cách với khu vực kinh doanh thực phẩm; cửa nhà vệ sinh không được mở thông vào khu vực bảo quản thực phẩm. Có hệ thống sổ sách hoặc phần mềm quản lý thực phẩm trong suốt quá trình kinh doanh.
Theo Điều 7 Nghị định này thì điều kiện đối với thiết bị, dụng cụ bao gồm: Có đủ thiết bị phục vụ kinh doanh, bảo quản và kiểm soát các yếu tố an toàn thực phẩm phù hợp theo yêu cầu của nhà sản xuất; có quy định về quy trình, chế độ vệ sinh đối với cơ sở. Có đủ dụng cụ thu gom chất thải, rác thải, có nắp đậy và được vệ sinh thường xuyên.
Đức Minh