Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả công tác QLTT, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Cục QLTT Bắc Ninh đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT - coi đó là một trong những giải pháp mang tính đột phá trong quản lý, điều hành. Liên quan vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với Phó cục trưởng Phạm Huy Trọng.

Phó cục trưởng Phạm Huy Trọng.Phó cục trưởng Phạm Huy Trọng.

Xin ông cho biết, năm 2022, công tác phối hợp giữa Cục QLTT và các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) và hàng giả được triển khai như thế nào?

Năm 2022, Cục QLTT đã chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng quản lý tốt địa bàn được phân công, đẩy mạnh công tác phối hợp thanh kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh trái pháp luật, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng hóa vi phạm SHTT…

Đặc biệt, trong 11 tháng 2022, Cục QLTT đã phối hợp với lực lượng công an xử lý 103 vụ; phạt hành chính gần 2,5 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm là hơn 6,3 tỷ đồng. Cục QLTT còn phối hợp và bàn giao cho cơ quan điều tra giải quyết theo thẩm quyền 2 vụ việc điển hình có trị giá hàng hóa vi phạm gần 10 tỷ đồng.

Trong năm qua, công tác đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả của lực lượng QLTT đạt được những kết quả nổi bật gì?

Trong 11 tháng 2022, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử lý 230 vụ; tổng tiền thu, phạt hành chính, tiêu hủy, bán và chuyển cơ quan khác xử lý là hơn 22 tỷ đồng.

Điển hình, ngày 25/7/2022, Cục QLTT phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất 1 kho chứa hàng tại phường Võ Cường (TP. Bắc Ninh), đã kiểm tra 76.804 sản phẩm hàng hóa (trên 20 tấn hàng), trong đó, 42.604 sản phẩm nhập lậu và 34.200 sản phẩm giả mạo nhiều nhãn hiệu; tổng trị giá hàng hóa vi phạm là hơn 7,4 tỷ đồng.

Ngày 8/8/2022, lực lượng QLTT phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra 1 kho hàng tại phường Đồng Nguyên (TP. Từ Sơn), phát hiện 41.500 sản phẩm nhập lậu là mỹ phẩm, do Hàn Quốc sản xuất, tổng trị giá tang vật là hơn 3,9 tỷ đồng...

Thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái của các đối tượng ngày càng tinh vi. Vậy, nhằm mang lại hiệu quả hơn nữa, Cục QLTT có những giải pháp thiết thực ra sao đối với các loại hành vi này?

Có thể nói, đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả - là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Từ đó, Cục QLTT đã đề ra một số giải pháp cụ thể, thiết thực.

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh kiểm tra hàng hóa có dấu hiệu vi phạm.Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh kiểm tra hàng hóa có dấu hiệu vi phạm.

Trước hết, Cục QLTT đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể xã hội, các cơ quan báo đài, trong đó có Tạp chí TH&CL - cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động thương mại, dịch vụ, hiểu rõ tác hại của buôn lậu, GLTM và hàng giả.

Bên cạnh đó, Cục QLTT cử cán bộ trực tiếp đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc xuất xứ… Theo đó, 11 tháng 2022, đã có 2.804 cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết với Cục QLTT.

Các Đội QLTT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng quản lý tốt địa bàn được phân công, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu với chức năng, nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là trên các kênh thương mại điện tử.

Đối với công tác chống kinh doanh hàng lậu, hàng giả, vi phạm SHTT, Cục QLTT xây dựng phương án phối hợp với các lực lượng chức năng như công an, hải quan, thuế và các sở ban ngành khác tăng cường nắm bắt, đánh giá thị trường; trinh sát, xác minh (tập trung vào các địa bàn trọng điểm, đường dây, ổ nhóm, đối tượng kinh doanh lớn), tổ chức bắt giữ và xử lý những hành vi vi phạm về buôn lậu, GLTM và hàng giả.

Trong năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả của Cục QLTT được triển khai đến đâu?

Nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả của công tác QLTT, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Cục QLTT đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - coi đó là một trong những giải pháp mang tính đột phá trong quản lý, điều hành.

Những năm gần đây, Cục QLTT đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của lực lượng QLTT, trong đó, xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là mắt xích quan trọng để hướng đến việc xây dựng lực lượng chính quy, chuyên nghiệp và hiện đại.

Từ ngày 1/2/2022, hệ thống xử lý vi phạm hành chính (INS) của Tổng cục QLTT chính thức được áp dụng trong toàn lực lượng QLTT. Đây chính là một cuộc cách mạng trong chuyển đổi số của lực lượng QLTT hiện nay, giúp khắc phục những hạn chế so trước đây.

Thực tế, hoạt động thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh; việc kiểm tra, xác định đối tượng vi phạm trên môi trường Internet của lực lượng QLTT còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - sẽ tạo điều kiện cho việc tiếp nhận, thẩm tra, xác minh thông tin trên môi trường Internet dễ dàng và thuận lợi hơn.

Bên cạnh hệ thống INS - do Tổng Cục QLTT điều hành, Cục QLTT Bắc Ninh đã đưa vào sử dụng các hệ thống, ứng dụng công việc trực tuyến, như: Hệ thống quản lý văn bản điện tử eDMS; hệ thống quản lý kho chứa hàng hóa vi phạm; ứng dụng quản lý tài chính, kế toán trực tuyến (FIN); ứng dụng quản lý cán bộ và thi đua khen thưởng (HR); hệ thống thư điện tử công vụ…

Tất cả các ứng dụng này, đã giúp lãnh đạo Cục QLTT Bắc Ninh có thể kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ của toàn lực lượng, đồng thời, giúp cán bộ, công chức QLTT thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ngày càng thuận tiện, nhanh chóng và chuẩn xác.

Trân trọng cảm ơn Phó cục trưởng!

Bá Đoàn

Bài liên quan

Cùng chuyên mục