Cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Người tiêu dùng là “mắt xích” quan trọng

Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh Phạm Huy Trọng, trong cuộc chiến chống buôn lậu, hàng giả, người tiêu dùng là “mắt xích” quan trọng. Nếu họ kiên quyết tẩy chay hàng hóa này thì các tổ chức, đối tượng vi phạm sẽ bị ngăn chặn. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng mà còn giúp lành mạnh hóa thị trường.

Hàng nhái, hàng giả “len lỏi” thị trường

Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng quản lý thị trường, đã quyết liệt đấu tranh, xử lý nghiêm một số tụ điểm, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, nhưng mặt hàng này vẫn “len lỏi” vào thị trường, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp làm ăn chân chính, sức khỏe và tài chính của người tiêu dùng.

Nhằm ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan chức năng tiếp tục đề ra nhiều giải pháp cụ thể với chế tài xử phạt mạnh hơn.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa vi phạm.Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa vi phạm.

Thực tế, trong quý I/2023, thị trường Bắc Ninh không có biến động lớn, giá các mặt hàng tương đối ổn định, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa, đầu cơ, găm hàng. Hàng hóa đa dạng, phong phú, đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, thị trường vẫn xảy ra hành vi bày bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại và kinh doanh trái phép, không đảm bảo an toàn thực phẩm…

Trước những diễn biến trên của thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh đã chủ động bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên, luôn xác định rõ nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và, kinh doanh trái pháp luật... là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, góp phần ổn định giá cả thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Quý I/2023, Cục Quản lý thị trường đã ký cam kết đối với 229 cơ sở sản xuất, kinh doanh; cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra 85 vụ, xử lý 71 vụ; tổng tiền thu phạt 3.464.850.780 đồng. Trong đó: Tiền phạt hành chính 1.115.500.000 đồng; tiền bán hàng tịch thu 497.550.000 đồng; trị giá hàng tiêu hủy 975.231.780 đồng; hàng tồn kho chưa bán 876.569.000 đồng.

Dự báo, 9 tháng cuối 2023, các hành vi vận chuyển, buôn bán hàng lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái phép khác có thể không giảm mà còn diễn biến phức tạp.

Vì vậy, Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng Cục Quản lý thị trường, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bắc Ninh...; phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.

Người tiêu dùng là “mắt xích” quan trọng

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ, không chỉ tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, hình ảnh, uy tín các doanh nghiệp, thương hiệu chân chính, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của Nhân dân.

Do đó, để kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả thị trường, ngăn chặn các hành vi này, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh, ông Phạm Huy Trọng cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần đổi mới phương thức quản lý, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành để kiểm soát cả thị trường tiêu thụ và đầu vào của hàng hóa vi phạm. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần hoàn thiện cơ chế, chính sách và có chế tài xử phạt đủ sức răn đe, qua đó góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, thúc đẩy thị trường phát triển bền vững, tránh thất thu thuế cho Nhà nước.

Đối với lực lượng quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh đã chủ động xây dựng phương án phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm bắt, đánh giá thị trường, kiểm tra, kiểm soát, tổ chức bắt giữ và kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cục Quản lý thị trường phối hợp với các tổ chức, đoàn thể xã hội, các cơ quan thông tin như báo, đài truyền hình tỉnh, đài phát thanh các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân nắm rõ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động thương mại, công nghiệp, dịch vụ thương mại. Việc tuyên truyền này, giúp người dân hiểu rõ tác hại của hành vi buôn lậu, làm hàng giả và các hành vi gian lận thương mại khác. Từ đó, người dân tự giác thực hiện và đồng tình ủng hộ các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ.

Cục Quản lý thị trường chú trọng đẩy mạnh công tác phối hợp thanh kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là trên các kênh thương mại điện tử, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh trái pháp luật, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, góp phần đảm bảo cân đối cung - cầu, ổn định thị trường.

Ông Phạm Huy Trọng cho rằng, các doanh nghiệp cần chú trọng công tác chống hàng giả, hàng nhái, hướng dẫn cho người tiêu dùng và các kênh phân phối, nhận biết hàng giả; xây dựng kênh tiếp nhận và phản ánh của khách hàng đối với hàng hóa của doanh nghiệp, ngay trên trang web hoặc kênh bán hành trực tuyến của đơn vị.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần cập nhật văn bản pháp luật, kế hoạch hoạt động thanh kiểm tra, xử lý hàng giả trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Quản lý thị trường (dms.gov.vn), tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tra cứu thông tin; áp dụng hệ thống quản lý thông tin và xử lý vi phạm hành chính trực tuyến (INS) thay cho hồ sơ giấy…

Quan trọng, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh nhấn mạnh, người tiêu dùng cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc chống hàng giả, hàng nhái khi tham gia mua bán những mặt hàng này; không tiếp tay cho các đối tượng gây lũng đoạn thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh thu, uy tín của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Phó cục trưởng Phạm Huy Trọng nhấn mạnh: “Có thể nói, trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng là ‘mắt xích’ quan trọng. Nếu họ kiên quyết tẩy chay các hàng hóa này, thì các tổ chức, đối tượng vi phạm sẽ bị ngăn chặn đầu ra. Điều này, không chỉ bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng, mà còn giúp thị trường hàng hóa lưu thông lành mạnh”.

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ buôn bán, vận chuyển hàng giả, vi phạm về quyền sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường, kết quả này vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán của các dối tượng ngày càng tinh vi, phức tạp; cơ chế thực thi còn chồng chéo; hạn chế về nguồn lực; nhận thức của cộng đồng chưa được nâng cao...

Bá Đoàn

Bài liên quan

Cùng chuyên mục