Đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá bán xăng dầu

Theo đề xuất của Bộ Công Thương, Nhà nước sẽ chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá còn giá bán lẻ do doanh nghiệp quyết định sau khi cộng chi phí kinh doanh thực tế.

Trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, bên cạnh đề xuất điều chỉnh giá 7 ngày một lần, cơ quan quản lý còn đề xuất quy định Nhà nước chỉ công bố giá định hướng, doanh nghiệp sẽ tự đưa ra giá bán lẻ.

Đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá bán xăng dầu.Đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá bán xăng dầu.

Theo đó, Bộ Công Thương chọn phương án các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu căn cứ các chi phí thực tế của mình để tự xác định và công bố giá bán lẻ của doanh nghiệp mình, thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát.

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, thị trường xăng dầu có nhiều biến động, nguồn cung xăng dầu có thời điểm bất ổn. Một trong những nguyên nhân là bởi các chi phí kinh doanh chưa tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu do nhà nước điều hành, dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh.

Để khắc phục tình trạng kinh doanh xăng dầu bất ổn như thời gian qua, Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án. Phương án một tiếp tục điều hành giá theo quy định hiện hành và sửa đổi công thức tính giá cơ sở theo hướng rà soát, bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp chưa được tính như premium trong nước. Các quy định về phương thức, tần suất xác định chi phí... để đảm bảo tính đúng, đủ vào giá cơ sở xăng dầu.

Với phương án này, Bộ đánh giá ưu điểm là Nhà nước sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ đối với giá mặt hàng xăng dầu trên thị trường.

"Tuy nhiên, khi các yếu tố cấu thành giá như chi phí kinh doanh có biến động bất thường sẽ không phản ánh đúng chi phí thực tế doanh nghiệp phải chi ra, nhiều doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại", cơ quan soạn thảo nêu nhược điểm.

Với phương án 2, Bộ Công Thương đề xuất Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá, gồm giá thế giới (giá Platt’s), các loại thuế, lợi nhuận định mức, mức trích, sử dụng quỹ bình ổn giá...

Các doanh nghiệp trên cơ sở dữ liệu này sẽ cộng các chi phí kinh doanh, vận chuyển, premium... để tự xác định và công bố giá bán lẻ của mình. Doanh nghiệp tự kê khai khi thay đổi giá bán, báo cáo liên Bộ Công Thương - Tài chính để giám sát.

Sau khi cân nhắc, cơ quan quản lý đề nghị chọn phương án 2 với lý do cần đưa giá xăng dầu dần về sát với thị trường, giảm dần sự can thiệp Nhà nước.

Bên cạnh đó, phương án này sẽ đảm bảo các chi phí trong giá xăng dầu theo thực tế phát sinh của từng doanh nghiệp, hạn chế đầu cơ, găm hàng và khuyến khích các doanh nghiệp tạo nguồn cung ổn định cho thị trường.

Song, Bộ Công Thương nhìn nhận phương án này có nhược điểm là trên thị trường sẽ xuất hiện nhiều mức giá xăng dầu, khi người dân chưa quen sẽ có phản ứng với giá của các doanh nghiệp có chi phí cao. Đối với những địa bàn có nhiều doanh nghiệp cung cấp xăng dầu, quy định này sẽ không khuyến khích doanh nghiệp tiết giảm chi phí kinh doanh để giảm giá bán xăng dầu...

Duy Khánh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục