Một nghiên cứu mới đã giới thiệu hệ thống kiểm soát dưới dạng những cabin có khả năng phát hiện hàng loạt F1, F2 đang được yêu cầu cách ly cũng như những người có nguy cơ mắc Covid-19 trong đám đông.
Tại hội thảo do Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) và Khoa Y - Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức sáng 25-5, nhóm nghiên cứu của PGS-TS Phạm Xuân Đà từ Khoa Y - Đại học Quốc gia TP HCM đã giới thiệu giải pháp "công nghệ IoT kết hợp trí tuệ nhân tạo AI nhằm kiểm soát đồng thời nhóm người tại khu vực cách ly, bệnh viện, khu công nghiệp, cửa khẩu, khu tập trung đông người trong phòng chống dịch Covid-19".
Hệ thống theo dõi được thiết kế dưới dạng những cabin đặt ở nơi mọi người phải đi qua, như cổng chung cư, cổng bệnh viện, khu vực cách ly, khu vui chơi giải trí… Cabin này trang bị hệ thống giúp nhận dạng khuôn mặt và kiểm tra thân nhiệt nhiều người cùng một lúc.
Theo PGS Phạm Xuân Đà, hệ thống này rất có lợi trong bối cảnh Chính phủ chủ trương cách ly cả F1 tại nhà tại những địa phương có số ca bệnh đông, đẫn đến lượng F1, F2 rất lớn.
Một khu vực phong tỏa với nhiều người được yêu cầu cách ly tại nhà ở TP HCM (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)
Dữ liệu của những người thuộc diện này sẽ được nhập vào hệ thống, bao gồm tên tuổi, số điện thoại, tình trạng bị cách ly... Nếu họ đi qua nơi đặt cabin kiểm soát, như ra khỏi chung cư, hệ thống lập tức phát ra cảnh báo. Đầu tiên là thông báo cho người đó rằng đã vi phạm quy định cách ly, sau đó thông báo đồng loạt tới những người có trách nhiệm quản lý cách ly.
Dữ liệu này cũng được đồng bộ lên hệ thống, kết nối trực tiếp với một modul phần mềm báo cáo, modul phân tích báo cáo… nhằm giảm tiêu hao sức người trong công tác phòng dịch.
Theo nhóm nghiên cứu, hệ thống này còn giúp phát hiện từ xa, hàng loạt các trường hợp nguy cơ cao không thuộc diện giám sát, ví dụ những người bị sốt.
Bình luận về công trình trên, GS-TS Đặng Vạn Phước, Trưởng Khoa Y - Đại học Quốc gia TP HCM, cho rằng giải pháp này rất thiết thực bởi chủ trương cách ly tại nhà cho F1 vẫn là một thách thức. Chỉ cần 1 người lọt ra, có thể xuất hiện ổ dịch mới. Điều cần lưu tâm là hướng nghiên cứu này cần phải được bảo đảm tính bảo mật đối với dữ liệu của mọi người.
Khả năng nhận diện khuôn mặt của hệ thống đối với người đang đeo khẩu trang cũng là một hạn chế cần được nghiên cứu thêm.
Theo PGS-TS-BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, hệ thống này rất có lợi trong môi trường bệnh viện vì có thể giúp tìm ra những người đang bị sốt dễ dàng trong đám đông mà không cần tiếp xúc gần để kiểm tra thân nhiệt.
Việc kiểm soát thông qua thân nhiệt và nhận diện khuôn mặt cũng giúp tăng cường tính tự giác của mỗi người. Ông Thanh cũng cho rằng đây là một giải pháp có hiệu quả về mặt kinh tế, giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực và chi phí.
Theo Người Lao Động