Mặc dù giá nguyên liệu đầu vào tăng, lạm phát xuất hiện tại một số nước nhưng khả năng lạm phát vượt 4% ở Việt Nam là rất thấp.
Giá nguyên liệu đầu vào tăng đẩy giá thành sản phẩm tăng
"Từ đầu năm đến nay, giá cám chăn nuôi đã tăng khoảng 10 đợt, bình quân giá thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 8.000 đồng lên 11.000 đồng/kg, đẩy giá thành sản xuất tăng thêm 10.000 đồng/kg.
Chi phí chăn nuôi cao đẩy giá thành chăn nuôi lên cao, trong khi giá sản phẩm bán ra lại giảm khi sức mua giảm sút, khiến doanh nghiệp chăn nuôi đang gặp không ít khó khăn” – ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Công ty Thành Đô Nghệ An chia sẻ.
Cũng chung ý kiến với ông Thành, anh Nguyễn Thế Anh – Phó Chủ tịch kiêm Phó Giám đốc Hợp tác xã Hoà Mỹ (thôn Nội Xá, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hoà, TP.Hà Nội) - cho biết: Sau các đợt tăng giá liên tiếp, mỗi bao cám 25kg đã tăng thêm 15.000 đồng đẩy giá thành chăn nuôi cũng bị tăng thêm khoảng gần 20%.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), giá thành nhập khẩu gỗ từ thị trường nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay.
Trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2021, tại thị trường Mỹ, giá gỗ xẻ và gỗ dương nhập khẩu tăng 21%; gỗ sồi tăng 12%, gỗ óc chó tăng 13%...; gỗ nhập khẩu từ thị trường Chile cũng tăng 16% (gỗ xẻ), trong đó giá gỗ thông tăng 17%. Tương tự, giá nhập khẩu gỗ từ thị trường Brazil cũng tăng 6%, từ thị trường Newzeland cũng tăng 17%...
Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, thủy sản, dệt may cũng phải chịu chung cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng đẩy giá thành sản xuất tăng cao. Chia sẻ với PV Lao Động, ông Hoàng Kiều Phong – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tiến Triển - cho biết: Từ trước dịch bùng phát giá nguyên liệu đã tăng khiến giá thành sản phẩm đầu ra bị đội lên rất nhiều.
Không tác động đến lạm phát năm 2021
Thông tin từ các tổ chức quốc tế cho thấy, lạm phát đang tăng trở lại tại nhiều nước do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đẩy giá thành nguyên liệu sản xuất tăng cao. Trong đó, tác động rõ rệt nhất là chi phí logistics và các chi phí tăng thêm trong phòng chống dịch COVID-19.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, căn cứ tình hình sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và mặt bằng giá hàng hóa trong hơn 8 tháng năm 2021, các chuyên gia kinh tế trong nước cũng đưa ra ý kiến khá lạc quan: Khả năng lạm phát của Việt Nam năm 2021 là rất thấp.
Chia sẻ với Lao Động, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, mặc dù khả năng xuất hiện lạm phát do chi phí đầu vào tăng là không thể loại trừ, tuy nhiên, trong điều kiện mở cửa, các ngưng trệ chỉ tạm thời, tác động tiêu cực cũng chỉ tạm thời.
TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) cũng đưa ra dự báo: Lạm phát trung bình năm 2021 chỉ khoảng hơn 2%. Do ảnh hưởng của COVID-19 và giãn cách xã hội, chuỗi cung ứng bị dứt gãy nên giá một số lương thực, thực phẩm tăng cao, nhưng sự tăng giá này chỉ ngắn hạn và diễn ra cục bộ tại một số địa phương.
“Khi hết dịch, giá sẽ giảm trở lại. Về tổng thể, COVID-19 khiến thu nhập của người dân sụt giảm, nhu cầu yếu nên giá cả chưa tăng mạnh. Đối với một số nguyên vật liệu, giá có thể tăng mạnh nhưng tỉ trọng của các mặt hàng này trong rổ hàng hóa CPI (chỉ số giá tiêu dùng) không lớn.
Chẳng hạn giá thép tăng mạnh, nhưng nó chỉ là một phần trong nhóm hàng hóa "nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng", nhưng cả nhóm này chỉ chiếm tỉ trọng chưa đến 20% trong rổ tiền tệ” – TS Nguyễn Đức Độ khẳng định.
Vũ Long