Xu hướng lạm phát gia tăng

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các chuyên gia kinh tế nhận định, thế giới sắp đối mặt với làn sóng lạm phát, điều này cũng tạo áp lực lạm phát của Việt Nam trong năm 2021.

Không được chủ quan  trước áp lực lạm phát vẫn đang hiện hữu

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, CPI 7 tháng tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Đây là điều kiện thuận lợi, tạo dư địa để Việt Nam kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu khoảng 4% theo yêu cầu của Quốc hội.

Lạm phát của Việt Nam đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan bởi áp lực lạm phát năm 2021 vẫn đang hiện hữu và sẽ tăng dần từ nay đến cuối năm.

Chỉ ra những yếu tố gây nên lạm phát, Vụ Thống kê giá cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 4,79%. Đặc biệt, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 6,83%, dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,97%, dùng cho xây dựng tăng 3,91%, giá sắt thép trong thời gian vừa qua tăng trên 40%…. đều là các yếu tố gây nên lạm phát chi phí đẩy. Do đó, sẽ tạo áp lực lớn lên chỉ số CPI của toàn nền kinh tế trong nửa cuối của năm 2021.

Cùng với đó, do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên giá cả hàng hoá trên thế giới gia tăng trong năm 2021 có thể tác động đến nền kinh tế Việt Nam trên các góc độ làm gia tăng giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong nước.

Cụ thể, giá dầu thô và giá các loại lương thực tăng sẽ làm tăng chi phí sản xuất, phí vận tải, tăng giá thức ăn chăn nuôi và thực phẩm trong nước; đồng thời tác động đến cân đối thương mại do giá trị nhập khẩu gia tăng mạnh hơn giá trị xuất khẩu, vì xuất khẩu gặp khó khăn do dịch bệnh. Các nguyên vật liệu tăng giá cũng ảnh hưởng đến đầu tư công và đầu tư xây dựng nói chung...

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, CPI sẽ tăng dần vào các tháng cuối năm. Lý do bởi triển vọng khả quan về sự phục hồi của kinh tế toàn cầu trong năm 2021 trước việc các quốc gia khẩn trương triển khai tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 trên toàn thế giới. Theo đó, kinh tế thế giới phục hồi nhanh cũng khiến cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng cao đột biến, trong khi nguồn cung chưa theo kịp nhu cầu dẫn đến giá cả các mặt hàng gia tăng.

TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, Liên minh châu Âu nhận định lạm phát có thể đạt đỉnh trong năm 2021. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên áp lực lạm phát trong các tháng còn lại năm 2021 có thể gia tăng. Tuy nhiên, khi nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi, các chính sách kích thích tăng tổng cầu sẽ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế…

Do vậy, điều hành lạm phát cần bảo đảm linh hoạt, thích ứng với từng giai đoạn của nền kinh tế. Cùng với đó, Chính phủ cần nghiên cứu “ngưỡng lạm phát” phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế, để đặt ra lạm phát mục tiêu trung hạn thay vì lạm phát mục tiêu từng năm.

Bộ Công Thương cần chủ động chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giảm áp lực lạm phát.Bộ Công Thương cần chủ động chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giảm áp lực lạm phát

Nhanh chóng loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường

TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam thì cho rằng, dù lạm phát đang được kiểm soát nhưng nguy cơ bùng nổ lạm phát là khó tránh khỏi trong thời gian tới. Kinh tế vĩ mô tích cực nhưng chỉ số giá nguyên vật liệu dùng cho sản xuất tăng, dù chưa tác động tới lạm phát hiện tại nhưng ẩn chứa nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát trong những tháng cuối năm, thậm chí những năm tới. Tỷ lệ nhập siêu một phần do Việt Nam nhập nhiều nguyên, nhiên vật liệu nhưng một phần nguyên nhân từ tỷ lệ trao đổi thương mại có mức kém thuận lợi hơn so với trước, ảnh hưởng đến tính thuận lợi và cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Theo nhận định của PGS. TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), trong bối cảnh diễn biến dịch còn hết sức phức tạp, VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 khoảng 4,5%-5,1%, thấp hơn 1,2 – 1,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Với diễn biến của tình hình bệnh dịch hiện tại, VEPR hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021.

Triển vọng kinh tế những tháng cuối năm phụ thuộc nhiều vào tốc độ và quy mô tiêm chủng vaccine; hiệu quả/phản ứng phụ của các biện pháp phòng, chống bệnh dịch; các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng ở trong nước. Bên cạnh đó, lạm phát 6 tháng đầu năm thấp, ổn, nhưng xu hướng lạm phát có thể gia tăng trong những tháng cuối năm, không nên chủ quan. Doanh nghiệp không thể chịu mãi để chi phí gia tăng mà giá sản phẩm không tăng. Một nguy cơ nữa, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng do các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cực đoan, thái quá tại các địa phương khiến tăng mạnh giá cả trong những tháng cuối năm.

Để kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu Quốc hội đề ra trong những tháng còn lại của năm 2021, Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam. Đặc biệt, cần đánh giá, phân biệt kỹ các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp.

Tổng cục Thống kê kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đồng thời kết hợp Quỹ bình ổn xăng dầu để hạn chế mức tăng giá của mặt hàng này đối với CPI chung của nền kinh tế. Bộ Công Thương cần chủ động chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát. Đặc biệt, thông tin kịp thời, chính xác và rõ ràng các chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý từ thông tin sai lệch gây ra.

Lưu Hiệp (báo CAND)

Cùng chuyên mục