Chiều ngày 17/9, trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Festival Huế 2024, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức “Hội nghị kết nối cung cầu giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành năm 2024”.
Hội nghị đã có sự tham dự của đại diện nhiều Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Trung tâm Khuyến công của nhiều tỉnh thành trong cả nước và hơn 100 doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị…
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Trung tâm mới thành lập vào tháng 4/2024, trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trên cơ sở sáp nhập các đơn vị là Trung tâm Festival Huế, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại.
Tuy nhiên bà Thảo khẳng định, dù tên gọi khác nhau; chức năng khác nhau như xúc tiến đầu tư, thương mại, khuyến công; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp… nhưng tất cả đều hướng vào mục đích chung là “phụng sự doanh nghiệp”
Hội nghị kết nối cung cầu xác định công tác hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối, siêu thị là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xúc tiến thương mại với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương khai thác thị trường tiêu thụ nội địa, nâng cao khả năng cạnh tranh trong nước và nước ngoài.
Tham luận tại Hội nghị kết nối cung cầu, các ý kiến đều thống nhất hướng đến các mục tiêu: Hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đầu ra để tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, mở rộng và phát triển thị trường- Hình thành kênh trao đổi trực tiếp giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cung ứng, cơ sở sản xuất của các địa phương với hệ thống phân phối, siêu thị trên cả nước- Tăng cường các hoạt động hợp tác xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, nhà phân phối….
Làm thế nào tạo điều kiện thuận lợi tối đa để bên mua - bên bán kết nối trực tiếp, tiết giảm chi phí trung gian, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng bền vững; phương thức tổ chức hợp lý, hiệu quả cao.
Tham gia ý kiến, bà Nguyễn Thị Thanh Lan, Giám đốc Công ty TNHH Dinh dưỡng Hadalifa, một doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm nông sản sạch và ngũ cốc dinh dưỡng, là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Nghệ An, bà cho biết, công ty đã đầu tư áp dụng các công nghệ hiện đại như máy sấy hơi nhiệt, máy nghiền, hệ thống đóng gói tự động, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Nhờ vậy mà sản phẩm ngũ cốc dinh dưỡng Hadalifa hiện đã có mặt tại hơn 35 tỉnh thành trên cả nước và xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như Nga và Thái Lan. Bà cho rằng, việc hợp tác giữa các doanh nghiệp rất quan trọng, khi các doanh nghiệp địa phương hợp tác, họ có thể chia sẻ nguồn lực, công nghệ, và kiến thức tăng cường khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ do tận dụng mạng lưới khách hàng của nhau để gia tăng doanh số và quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả hơn, phát triển chuỗi giá trị địa phương, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả, tạo ra việc làm và ổn định xã hội.
“Hội nghị kết nối cung cầu giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành năm 2024” phải nói rằng rất thành công khi nhiều doanh nghiệp, tổ chức, đại diện các sở Công thương, Trung tâm XTTM, đầu tư…đã đưa ra nhiều ý kiến chia sẻ, thảo luận, đóng góp về các hạn chế, tiềm năng, giải pháp để tìm đầu ra cho các sản phẩm, đưa nguồn hàng chất lượng lên kệ siêu thị; mở rộng hệ thống phân phối, mở rộng thị trường liên doanh, đầu tư giữa các tỉnh khu vực miền Trung và cả nước...
Để tạo niềm tin, thực sự là chỗ dựa của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, trên tinh thần “Phụng sự doanh nghiệp” các Trung tâm phải nỗ lực hết sức để là đầu mối hỗ trợ triển khai các dự án, đồng hành, giải quyết các thủ tục hành chính, các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Trần Minh Tích