Dương Đức Thắng - Người lưu giữ kỷ vật Quan họ

Cái ống ngoáy trầu lum đum “lên nước” đồng vàng suộm; một “Con dao be bé sắc thay/Chuôi sừng bít bạc về tay ai cầm” của liền chị; chiếc cơi trầu bằng gỗ bạc màu tháng năm, lấp lánh ánh trai... - những kỷ vật nhuộm màu thời gian quý báu này đang được gìn giữ, bảo quản tại Phòng trưng bày hiện vật Quan họ xưa và nay của Câu lạc bộ Quan họ Hoài Trung.

Không gian văn hóa nghệ thuật

Theo chân cán bộ Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh về điền dã ở làng Quan họ gốc Hoài Trung, xã Liên Bão, huyện Tiên Du, chúng tôi thực sự bất ngờ và ấn tượng khi tận thấy cả một kho tư liệu, trang phục, hiện vật xưa cũ gắn liền với nghề chơi Quan họ được bày tại Nhà Văn hóa thôn Hoài Trung.

Liền anh Dương Đức Thắng bên những hiện vật xưa cũ nhuộm màu thời gian.Liền anh Dương Đức Thắng bên những hiện vật xưa cũ nhuộm màu thời gian.

Nào là nón quai thao, ô lục soạn của người xưa; dải yếm, bao lưng với đủ chất liệu gấm, the, sồi, lụa của những anh Hai, chị Hai Quan họ tiền bối; những chiếc đèn dầu dùng trong hát canh; cơi trầu, cối giã, bình vôi, ống phóng; những bộ ấm chén; những nồi đồng, bát hoa, mâm gỗ trong bữa cơm Quan họ... Tất cả như bày ra trước mắt chúng tôi một không gian văn hóa nghệ thuật mẫu mực của nghề chơi với đầy đủ lề lối giao tiếp lịch lãm và nhã nhặn, từ cách phục sức, điểm trang, nói năng, chào mời, tiếp chuyện, ca hát, ẩm thực...

Hiện vật tại phòng trưng bày đều từ 70-80 năm, thậm chí hàng trăm năm tuổi. Đáng quý là trên mỗi đồ vật đều có ghi tên, địa chỉ của các nghệ nhân Quan họ. Khi nhìn vào đó, mọi người sẽ thấy được dấu ấn, kỷ niệm, thói quen sinh hoạt, chuyện cuộc đời và cả sự lịch lãm, chỉn chu, mẫu mực trong nghề chơi Quan họ của các bậc nghệ nhân tiền bối như: Dương Văn Quyến, Nguyễn Thị Hạp (làng Hoài Trung); Nguyễn Thị Khướu (làng Ngang Nội); Nguyễn Văn Thị, Ngô Thị Nhi, Trần Thị Phụng (làng Diềm); Vũ Thị Chịch (làng Y Na), Nguyễn Thị Bé (làng Đào Xá), Nguyễn Thị Nguyên, Đỗ Thị Tước (làng Khả Lễ)...

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Quan họ thôn Hoài Trung, xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Quan họ thôn Hoài Trung, xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Hầu hết các hiện vật do anh hai Dương Đức Thắng - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ Hoài Trung - săn tìm và sưu tầm từ năm 1996 đến nay. Anh Thắng cho biết, anh và các thành viên Câu lạc bộ tập trung sưu tầm, tuyển chọn những di vật gắn bó thân thiết với các nghệ nhân tiêu biểu đã được ghi nhận là “báu vật nhân văn sống” hoặc của lớp nghệ nhân được phong tặng đợt đầu, bởi các cụ chính là một bộ phận tinh hoa mẫu mực của di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Câu lạc bộ Quan họ Hoài Trung đã tham vấn cán bộ chuyên môn của Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh cách thức bảo quản, xây dựng danh mục hiện vật và sắp xếp trưng bày trong tủ kính vừa để kéo dài tuổi thọ hiện vật, vừa chuẩn bị lên kế hoạch cho việc mở cửa đón tiếp quý khách xa gần đến giao lưu, tham quan vào ngày Chủ nhật cuối của mỗi tháng.

Săn tìm “đồ gia bảo” thất lạc

Trong số hơn 100 hiện vật đang lưu giữ tại Phòng trưng bày hiện vật Quan họ xưa và nay của CLB Quan họ Hoài Trung có nhiều kỷ vật là “đồ gia bảo” độc đáo, quý hiếm mà người sưu tầm đã tốn rất nhiều thời gian, công sức săn lùng, tìm kiếm. Chỉ vào bộ ấm chén bằng đồng chạm họa tiết, hoa văn độc đáo, anh hai Thắng kể: “Kỷ vật này gắn với chuyện đời nghệ nhân Nguyễn Văn Thị ở làng Diềm, nhưng nó bị thất lạc nhiều năm. Tôi đã cất công dò tìm tung tích và chuộc lại được từ một gia đình bên Bắc Giang. Thật may vì nó vẫn còn đủ bộ nguyên vẹn 5 chén, một ấm và một đĩa khay”.

Bộ ấm chén bằng đồng.Bộ ấm chén bằng đồng.

Một kỷ vật đặc sắc khác cũng từng có thời gian “lưu lạc” là chiếc cơi đựng trầu bằng gỗ khảm trai tranh “Vinh quy bái tổ” có tuổi đời hơn 200 năm. Anh Thắng chia sẻ: “Đó là kỷ vật gia truyền của bà nội tôi. Bà vốn là con gái cụ Đàm Phú - một gia đình Quan họ có tiếng phong lưu ở Hoài Trung. Mỗi lần đi chơi Quan họ, bà đều mang theo chiếc cơi trầu gỗ khảm trai để mời Quan họ bạn.

Khi lấy ông nội tôi là cụ Dương Văn Quyến, bà đã mang theo cái cơi trầu ấy về nhà chồng nhưng sau đó bị thất lạc. Lần tìm theo lời kể của ông nội và nhờ thường xuyên giao lưu, trò chuyện với các bậc nghệ nhân gạo cội trong vùng, tôi biết được thông tin về kỷ vật quý của bà nội đang ở làng Chọi, nhưng cũng phải mất 3-4 năm ròng rã đi lại thuyết phục, người ta mới cảm động để lại kỷ vật đó cho tôi”.

Ngoài những “vật gia bảo” quý hiếm, anh Thắng còn sưu tầm được những đồ dùng độc đáo, đặc trưng trong văn hóa Quan họ, như: Con dao têm trầu lá trúc “chuôi sừng bít bạc” đã được nhắc đến trong một câu hát cổ - “Con dao be bé sắc thay/Chuôi sừng bít bạc về tay ai cầm”; chiếc giỏ đựng ấm trà của nghệ nhân Nguyễn Thị Tước (Khả Lễ); chiếc ghế của nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi (Ngang Nội) ngồi làm việc và sáng tác hàng chục bài Quan họ để đời...

Dẫu là những vật dụng bình thường, giá trị sử dụng và giá trị kinh tế không cao nhưng đó đều là tặng phẩm vô cùng quý báu được truyền từ đời cha sang đời con, chuyên dùng tiếp khách Quan họ.

Mới đây, Nghệ nhân nhân dân Trần Thị Phụng (100 tuổi, ở làng Diềm) cảm thấy sức khỏe yếu dần đã tin tưởng trao tặng toàn bộ “gia tài Quan họ” cho anh Thắng, gồm: Nón quai thao, bộ quần áo năm thân bằng vải lụa, bao lưng sồi đen dài 2m mà cụ Phụng mua từ năm 1938 khi bắt đầu đi chơi Quan họ, đặc biệt là chiếc rương sắt hoen gỉ vốn là kỷ vật gia truyền mà cụ Phụng được bà nội tặng cho từ ngày còn nhỏ...

Anh Thắng xúc động: “Những kỷ vật này cụ Phụng nâng niu như báu vật suốt bao năm qua. Vừa rồi cụ ốm nặng tưởng không qua khỏi nên gọi tôi đến căn dặn giữ gìn cho mai sau”.

Dành cả thanh xuân săn tìm, sưu tầm kỷ vật của các nghệ nhân Quan họ, anh hai Dương Đức Thắng còn cần mẫn, mải miết đi tìm câu hát cổ. Không chỉ điền dã, thu lượm từ các nghệ nhân trong tỉnh, anh còn chịu khó tìm kiếm, sưu tầm ở các cơ quan lưu trữ Trung ương như: Viện Âm nhạc, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam... Đến nay, anh đang lưu giữ 15 cuốn sổ chép tay của các nghệ nhân với gần 1.500 bài Quan họ (có nhiều bài trùng lặp) và hàng trăm file ghi âm giọng hát, bài cổ, bài độc của nghệ nhân ở khắp các làng Quan họ gốc.

Đánh giá cao những cống hiến của liền anh Dương Đức Thắng với di sản Quan họ, bà Lê Thị Chung, cán bộ Ban Sưu tầm nghiên cứu di sản văn hóa Quan họ (Trung tâm Văn hóa tỉnh), chia sẻ: “Sau khi Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh, anh Thắng tích cực tham gia phục dựng canh hát truyền thống, hỗ trợ các cơ quan chuyên môn của Trung ương và địa phương trong công tác sưu tầm, làm phim tư liệu để bảo tồn di sản. Anh Thắng không chỉ say mê Quan họ mà còn bỏ công, bỏ của sưu tầm được rất nhiều bài cổ và những kỷ vật độc đáo, ấn tượng. Để sưu tầm được những kỷ vật Quan họ quý như thế, người sưu tầm phải thành thục nghề chơi, hiểu biết sâu sắc, chuẩn mực lề lối, và đặc biệt phải được các nghệ nhân rất mực tin yêu, quý mến!”.

 Bá Đoàn

 

 

Bài liên quan

Cùng chuyên mục