Bắc Ninh: Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội thuộc tốp đầu cả nước

Năm 2022, kinh tế tỉnh Bắc Ninh tăng trưởng ước đạt 8,75%. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục tăng và thuộc tốp đầu cả nước.

Tăng trưởng kinh tế vượt kế hoạch

Năm 2022, tỉnh Bắc Ninh hoàn thành và vượt mức 9/15 chỉ tiêu. Tăng trưởng kinh tế vượt kế hoạch đề ra, tăng 7,39% so với năm 2021 (kế hoạch từ 5-6%). Năm 2023, Bắc Ninh phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt 6,5-7%.

Thành phố Bắc Ninh ngày nay.Thành phố Bắc Ninh ngày nay.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, tỉnh đã thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2022: “Tiếp tục đoàn kết - sáng tạo - kỷ cương - trách nhiệm; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tập trung kiểm soát tốt dịch Covid-19; phát triển kinh tế - xã hội bền vững; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị”. Ngoài ra, tỉnh cũng đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Tăng trưởng kinh tế của tỉnh vượt kế hoạch, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 ước đạt 142.289,2 tỷ đồng, tăng 7,39% so với năm 2021; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5%; doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 28%; thu nhập bình quân đầu người đạt 65,3 triệu đồng, tăng 6,3 triệu đồng.

Thu ngân sách nhà nước ổn định, ước 30.372 tỷ đồng, đạt 99,4% dự toán. Tỉnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả cải cách hành chính. Chất lượng hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên; giáo dục được cải thiện vượt bậc; y tế được đảm bảo cho yêu cầu khám, chữa bệnh; thể thao thành tích cao đạt kết quả tốt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Bắc Ninh phấn đấu, năm 2023, tổng sản phẩm tăng 6,5-7,0% so với ước thực hiện năm 2022; thu nhập bình quân đầu người đạt 69,5 triệu đồng, tăng 4,2 triệu đồng so với ước thực hiện năm 2022; tăng 6,4%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 93.262 triệu USD, trong đó, xuất khẩu đạt 50.870 triệu USD, nhập khẩu đạt 42.392 triệu USD; thu hút mới vốn FDI vào các khu công nghiệp 1.200 triệu USD; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 31.360 tỷ đồng, tăng 3% so với ước thực hiện năm 2022…

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, tình hình đầu tư, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng. Báo cáo cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 của tỉnh Bắc Ninh tăng 9,5%; doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 28%.

Về đầu tư công, tính đến ngày 14/11/2022, toàn tỉnh giải ngân được 3.784 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 52%. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng đã trình thẩm định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị đến năm 2045…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, tình hình đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc khi từ đầu năm đến nay, tỉnh cấp mới 43 dự án đầu tư trong nước với số vốn 14.400 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã cấp 1.542 dự án đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong nước còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh đạt 252.819,501 tỷ đồng.

Cùng với đó, tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận khi từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh cấp mới cho 124 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 318,82 triệu USD.

Lũy kế đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã cấp đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài cho 1.799 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp đạt 23.181,796 triệu USD.

Tỉnh Bắc Ninh luôn nằm trong tốp đầu cả nước về các chỉ số phát triển doanh nghiệp. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số 19.270 doanh nghiệp với tổng số vốn điều lệ đăng ký là 338.937,77 tỷ đồng và 4.941 đơn vị trực thuộc.

Đánh giá kết quả năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho rằng, tuy là một năm khó khăn nhưng cũng là năm rất thành công của tỉnh khi Bắc Ninh tập trung và đạt kết quả tích cực trên các lĩnh vực quan trọng như quy hoạch tỉnh, FDI tăng cao…

Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội thuộc tốp đầu cả nước

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đình Xuân, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, lạm phát duy trì ở mức cao, xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia dẫn đến nhiều doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, tỉnh Bắc Ninh đã nỗ lực tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư, qua đó bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, chăm lo an sinh xã hội trên địa bàn.

Song song với việc phục hồi triển kinh tế, công tác an sinh xã hội cũng được chính quyền tỉnh Bắc Ninh triển khai thiết thực, kịp thời, qua đó giúp hoàn thành hỗ trợ tiền thuê nhà cho gần 164.000 người lao động đủ điều kiện.

Cùng với xu hướng chung của cả nước, Bắc Ninh cũng đẩy mạnh chuyển đổi số trên phạm vi địa bàn toàn tỉnh và trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) đứng thứ 4 toàn quốc; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng thứ 7 toàn quốc, tăng 3 bậc; chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) đứng thứ 7, tăng 2 bậc; chỉ số thành phần về cải cách thủ tục hành chính trong chỉ số Par Index vượt lên đứng thứ nhất cả nước.

Tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn”

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, những kết quả đạt được của tỉnh trong năm 2022 là cơ bản, tuy nhiên còn tồn tại, trong đó thực hiện chủ đề công tác năm là công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị chưa đạt kết quả như mong muốn. Đặc biệt, tỉnh còn 6/15 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch như thu tiền sử dụng đất, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng một số công trình, thi công một số dự án còn chậm; việc thực hiện các quyết định, kết luận sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn nhiều hạn chế; tình hình an ninh trật tự còn tiềm ẩn phức tạp…

Nguồn lực chi cho đầu tư phát triển còn thiếu, phân bổ chưa sát nhu cầu, chưa phát huy được vai trò dẫn dắt của đầu tư công với đầu tư toàn xã hội; năng lực công nghệ nội sinh của doanh nghiệp bản địa chưa cao; mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI cao... Những “điểm nghẽn” trên đã ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh cần tập trung giải quyết một cách có lộ trình với quan điểm quyết liệt để khắc phục trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cho rằng, năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và tạo tiền đề, động lực, dư địa cho những năm tiếp theo.

Với chủ đề “Đẩy mạnh xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; nâng cao đạo đức công vụ; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị và văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh đề nghị, các cấp, ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chương trình hành động của Trung ương và của tỉnh, đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đồng bộ, thống nhất.

Ngoài ra, tỉnh tăng cường đề cao kỷ cương, kỷ luật, đạo đức thi hành công vụ tại cơ quan, đơn vị; nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị. Tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; tập trung hoàn thành Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh và Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 để làm cơ sở lập Quy hoạch phân khu, chi tiết, tạo không gian, dư địa thu hút đầu tư phát triển.

Bá Đoàn

Bài liên quan

Cùng chuyên mục