Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Bắc Ninh, Thượng tá Nguyễn Văn Dương cho biết, trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng buôn bán hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, lực lượng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Bắc Ninh đã chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi
Theo Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Bắc Ninh, trong năm 2022, lực lượng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng đã kiểm tra xử lý 258 vụ việc. Các vụ việc gồm: buôn lậu: 44 vụ; buôn bán hàng cấm: 20 vụ; sản xuất, buôn bán hàng giả: 29 vụ; xâm phạm sở hữu trí tuệ: 7 vụ; gian lận thương mại: 158 vụ. Lực lượng chức năng đã xử lý hành chính 248 vụ, phạt hành chính hơn 3,5 tỷ đồng; hàng hóa bị tịch thu có trị giá hơn 7 tỷ đồng.
Cảnh sát Kinh tế phối hợp với các lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh kiểm tra hàng hóa vi phạm.
Điển hình, ngày 25/7/2022, Phòng Cảnh sát kinh tế chủ trì, phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 3 - Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh kiểm tra kho hàng của Nguyễn Đức Phú (sinh năm 1986, ở khu Hòa Đình, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh). Quá trình kiểm tra, lực lượng liên ngành phát hiện gần 77.000 sản phẩm mỹ phẩm các loại, trong đó có hơn 34.000 sản phẩm có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Tổng giá trị hàng hóa là gần 7 tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03) - Công an tỉnh Bắc Ninh sau đó đã khởi tố vụ án “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” đối với vụ việc này.
Ngày 8/8/2022, Phòng Cảnh sát kinh tế chủ trì, phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 3 - Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh kiểm tra kho hàng của ông Nguyễn Xuân Thuyết (ở phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn), phát hiện hơn 30.000 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu. Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính chủ hàng số tiền 90 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số hàng hóa nhập lậu trị giá gần 4 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thương hiệu và Công luận, Thượng tá Nguyễn Văn Dương - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Bắc Ninh, cho biết, công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái trên địa bàn tỉnh thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Việc vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả không còn theo lối truyền thống, do tuyến biên giới phía Bắc đã được phía Trung Quốc lập hàng rào chắn, bịt hết các đường mòn lối mở.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Dương, gần đây, việc buôn lậu thường được núp dưới hình thức nhập khẩu chính ngạch, như khi mở tờ hải quan thường sai về số lượng, chủng loại, mặt hàng, hoặc dưới hình thức tạm nhập - tái xuất. Các đối tượng buôn lậu, vận chuyển, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại tìm đủ mọi phương thức, thủ đoạn để đối phó với các lực lượng chức năng như: thay đổi, chuyển hướng đường đi; sử dụng giấy tờ hóa đơn quay vòng; sử dụng hóa đơn bán lẻ thông thường để hợp thức hóa hàng nhập lậu; xé lẻ hàng hóa để vận chuyển bằng xe khách, xe có tải trọng nhẹ.
Một thủ đoạn tinh vi hơn, các đối tượng là doanh nghiệp lợi dụng chính sách hải quan, nhập khẩu, kê khai và thông quan tại các Chi cục Hải quan địa phương. Cụ thể, doanh nghiệp mở tờ khai xuất, nhập khẩu hàng hóa tại cơ quan Hải quan địa phương nhưng hàng hóa lại đi qua khu vực giám sát Hải quan của các cửa khẩu Hải quan khác. Sau khi được Hải quan nơi khác thông quan, hàng hóa được trực tiếp chuyển về kho hàng của doanh nghiệp mà không phải hải quan nơi mở tờ khai.
Mạnh tay chống buôn lậu, hàng giả
Để chủ động kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vừa ký ban hành Kế hoạch thực hiện cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương xây dựng, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; chủ động nắm chắc diễn biến tình hình; nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm cần tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đấu tranh; xác định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát địa bàn, lĩnh vực.
Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai các phương án tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, đường hàng không, các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới để ngăn chặn hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu vào nội địa; kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa, sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán qua mạng...
Phó Thủ tướng yêu cầu thành lập các đoàn công tác liên ngành triển khai nắm tình hình, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các lực lượng, đơn vị, địa phương tổ chức đấu tranh hiệu quả với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý, phụ trách.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có rất nhiều doanh nghiệp trong các khu và cụm công nghiệp. Công tác xuất, nhập khẩu hàng hóa là thường xuyên, liên tục, dẫn đến việc lợi dụng sơ hở trên để xuất, nhập lậu còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Trong khi đó, công cụ, phương tiện phục vụ cho công tác đấu tranh trong lĩnh vực này còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác.
Trước những khó khăn như trên, Thượng tá Nguyễn Văn Dương cho hay, để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại, bảo vệ lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân sản suất, kinh doanh cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Bắc Ninh đã chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Lưc lượng Cảnh sát Kinh tế tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm chắc tình hình trong địa bàn; giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ phương tiện xuất, nhập khẩu. Đặc biệt, Phòng Cảnh sát Kinh tế phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng xây dựng, triển khai các phương án kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng kém chất lượng.
Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát Kinh tế phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm soát chặt chẽ hoạt động thương mại điện tử, lợi dụng việc kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội để buôn lậu, gian lận thương mại; thường xuyên rà soát các trạng mạng, thông tin điện tử, ứng dụng thương mại điện tử…, để kịp thời phát hiện, xử lý.
Bá Đoàn