Gỡ vướng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp

Gian lận xuất xứ, nhãn mác, chuyển tải bất hợp pháp đã diễn ra trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, nguồn thu ngân sách nhà nước, quyền lợi người tiêu dùng... Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải quan, pháp luật liên quan đến xử lý gian pận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp… đang có những vướng mắc cần khắc phục.

Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, cho biết, trong quý 3/2021, Hải quan Lạng Sơn đã phát hiện một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu gian lận về xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa qua biên giới. Trong đó, 3 doanh nghiệp khai sai xuất xứ hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, đã bị xử lý theo qui định. Vi phạm của các doanh nghiệp này chủ yếu là nhập khẩu các mặt hàng Trung Quốc, nhưng khai xuất xứ made in Japan, Germany, Mexico, India, USA; khai chỉ dẫn sai về tình trạng pháp lý, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp…

Theo ông Nguyễn Hữu Vượng - Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, gian lận thương mại để vận chuyển trái phép hàng hóa thông qua khai báo hải quan có những diễn biến khá phức tạp. Đặc biệt, tình trạng khai sai về xuất xứ nhằm trục lợi, trốn thuế đang gây nhiều khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng, trong đó có ngành Hải quan.

Cục Kiểm tra sau thông quan (thuộc Tổng cục Hải quan) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan về tăng cường kiểm tra sau thông quan nhằm chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp trong năm 2021, Cục đã tăng cường thu thập, phân tích thông tin, xây dựng kế hoạch kiểm tra tập trung đối với hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, EU và Ấn Độ... Tính từ đầu năm đến nay, thông qua công tác kiểm tra, Cục Kiểm tra sau thông quan đã xử lý khá nhiều doanh nghiệp vi phạm về xuất xứ hàng hóa.

Cụ thể, trong tháng 9/2021, thực hiện chuyên đề kiểm tra đối với mặt hàng hạt điều xuất khẩu, Cục Kiểm tra sau thông quan đã phát hiện 18 vụ việc có nhiều dấu hiệu vi phạm. Trong đó, đã phát hiện có những doanh nghiệp gian lận xuất xứ hạt điều thuần túy Việt Nam khi xuất khẩu và đã xử lý 2 doanh nghiệp. Phát hiện 4 doanh nghiệp khác hoạt động thuộc loại hình sản xuất xuất khẩu có nghi vấn bán tiêu thụ nội địa, khi kiểm tra thì doanh nghiệp không có trụ sở, không còn hoạt động sản xuất tại địa điểm đăng ký kinh doanh, hải quan đã chuyển thông tin vụ việc đến cơ quan công an tiếp tục xác minh, làm rõ các dấu hiệu vi phạm.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục kiểm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Trong đó, tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, EU, Ấn Độ có sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, việc xử lý vi phạm liên quan đến gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp thực tiễn vẫn gặp nhiều khó khăn, bởi các quy định pháp luật hiện hành chưa rõ ràng, chưa cụ thể thế nào là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam. Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đã có hiệu lực thi hành từ cuối năm 2020, quy định xử lý hành vi giả mạo xuất xứ với chế tài rất nặng, nhưng thực tế lại chưa thể xử lý được. Lý do là vẫn chưa có quy định cụ thể, thống nhất cách hiểu thế nào là “giả mạo xuất xứ” nên khi xử lý đã dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện từ phía người vi phạm.

Để nâng cao hiệu quả phòng chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho rằng, Chính phủ cần có Nghị định mới sửa đổi, bổ sung các qui định bất cập hiện hành theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể thế nào là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, cách thức ghi tem nhãn, thế nào là hàng hóa “giả mạo xuất xứ”... Sửa đổi, bổ sung các qui định tại các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan còn bất cập về vấn đề này đảm bảo có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm hành vi gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ, ngành chức năng đối với các tổ chức cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa để kịp thời chấn chỉnh việc cấp chứng từ không đúng quy định; tăng cường theo dõi, giám sát các doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ nhằm ngăn chặn các trường hợp lợi dụng để gian lận...

Ngọc Quỳnh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục