Xử lý nghiêm hành vi sản xuất, buôn bán khẩu trang, găng tay không đảm bảo chất lượng

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ việc cấp phép sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu trang thiết bị phòng dịch; xử lý nghiêm hành vi sản xuất, buôn bán khẩu trang, găng tay không đảm bảo chất lượng.

Vừa qua, Bộ Công Thương và Bộ Công an có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc sản xuất, vận chuyển khẩu trang, găng tay không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc.

Xem xét báo cáo trên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, giám sát để xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán khẩu trang, găng tay không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc và lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu, nhất là các loại vật tư, trang thiết bị y tế; bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân nhưng không ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa trong thời gian phòng, chống dịch bệnh.

Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc cấp phép sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu găng tay, khẩu trang y tế, trang thiết bị phòng dịch và quy trình giám sát, thu gom, sản xuất, xử lý rác thải y tế. Chủ động phát hiện những sai phạm, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, hồi tháng 8/2021, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, cung ứng trang thiết bị y tế về việc đảm bảo sản xuất kinh doanh và rà soát công khai giá trang thiết bị y tế trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19.

Quản lý chặt việc cấp phép sản xuất và xuất, nhập khẩu trang thiết bị phòng dịchQuản lý chặt việc cấp phép sản xuất và xuất, nhập khẩu trang thiết bị phòng dịch

Văn bản của Bộ Y tế cho biết, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, toàn bộ hệ thống chính trị trên cả nước đang tập trung cho công tác phòng chống dịch. Bên cạnh đó, có nhiều thông tin "tố" các đơn vị nhập khẩu, cung cấp, kinh doanh trang thiết bị y tế có tình trạng tự ý nâng giá trang thiết bị y tế, đặc biệt là các trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, đang có nhu cầu cao.

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng phát hiện nhiều vụ sản xuất, kinh doanh khẩu trang kém chất lượng, khẩu trạng không có nguồn gốc xuất xứ. Và những chiếc khẩu trang, vật tư y tế giả, không đảm bảo chất lượng đã khiến cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 đã khó càng thêm khó.

Mới đây nhất, ngay những ngày đầu tháng 9 này, Đội QLTT số 1, Cục QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế tại số 43 đường 3, Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn) phát hiện, thu giữ 400.000 sản phẩm gồm 11.490 chiếc khẩu trang KN95 nhãn có chữ nước ngoài, 1.130 bộ bảo hộ y tế không nhãn mác, không rõ xuất xứ, 3.300 bộ bảo hộ y tế nhãn giấy có chữ sản xuất bởi Công ty CP Đầu tư Thiện Bình, 550 chiếc áo liền quần, 5.500 chiếc bao chân và 347.000 chiếc găng tay cao su đều không rõ xuất xứ.

Đáng lưu ý là 20.880 chiếc khẩu trang 3M mã 1860 có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu 3M của Mỹ. Đây là một trong những sản phẩm được sử dụng cho các trường hợp cần phòng tránh lây nhiễm rất cao như cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch.

GS. TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị chia sẻ: “Ở vùng 1- nơi trực tiếp chăm sóc, điều trị người bệnh trong phòng hồi sức – những chiếc khẩu trang đạt chuẩn chất lượng là vô cùng quan trọng, bởi khẩu trang chuẩn mới có thể bảo vệ được các lực lượng tuyến đầu. Đã có những trường hợp trong quá trình chăm sóc người bệnh bị nhiễm Covid-19 và một trong những lý do là y, bác sĩ, điều dưỡng… đã sử dụng những chiếc khẩu trang không đạt chuẩn”.

Theo các chuyên gia y tế khuyến cáo, dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành là thời điểm nhiều mặt hàng chống dịch như nước sát khuẩn, khẩu trang... bị nhiều kẻ gian lợi dụng bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Vì vậy, người dân không nên mua vật tư y tế hoặc các loại dược phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên mạng được người bán quảng cáo là sản phẩm phòng hoặc sử dụng trong quá trình điều trị Covid-19.

Ngọc Linh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục