Những đôi giày mang nhãn hiệu Adidas, Nike, MLB, Gucci...đang được bày bán một cách công khai tại cửa hàng giày Owl Shop với giá chỉ bằng 1/10 sản phẩm chính hãng cùng chủng loại trên thị trường. Điều này khiến người tiêu dùng vô cùng bức xúc, ảnh hưởng lớn đến uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Mới đây, tòa soạn Thương hiệu và Công luận liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc về tình trạng cửa hàng giày Owl Shop có địa chỉ tại số nhà 107D7 ngõ 4D phố Đặng Văn Ngữ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội kinh doanh nhiều sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu trong nước và quốc tế đang được bảo hộ tại Việt Nam. Điều này khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang, lo lắng về chất lượng, sự an toàn của sản phẩm cũng như có hay không việc đánh lừa khách hàng nhằm trục lợi của gian thương?.
Theo như tìm hiểu, với hơn 35 nghìn lượt theo dõi trên nền tảng mạng xã hội Facebook, cửa hàng giày Owl Shop đang tập chung quảng cáo bán các sản phẩm giày thể thao, giày thời trang mang tên những thương hiệu nổi tiếng như Vans, Adidas, Nike, Jordan...cho đối tượng khách hàng từ 18 tuổi đến 30 tuổi với mức giá chỉ vài trăm nghìn đồng.
Cửa hàng giày Owl Shop đẩy mạnh bán sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Ảnh: Quang Minh.
Sau khi tiếp nhận phản ánh của bạn đọc liên quan đến nhiều sản phẩm tại cửa hàng giày Owl Shop có dấu hiệu ‘đạo nhái’ các thương hiệu lớn, phóng viên đã có mặt tại cơ sở số 107D7 ngõ 4D phố Đặng Văn Ngữ, quận Đống Đa và ghi nhận phản ánh của bạn đọc hoàn toàn có cơ sở.
Cụ thể, theo ghi nhận của PV cửa hàng đang được bày bán số lượng lớn giày thuộc các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài như Adidas, Nike, MLB, Gucci...phần lớn đều không có tem, mác, không nhãn mác phụ với mức giá từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng.
Theo như chính chủ cửa hàng chia sẻ hiện cửa hàng có gần một nghìn đôi giày với tổng giá trị hơn nửa tỉ đồng. Ảnh: Quang MInh
Cầm một đôi Adidas có giá 450.000 đồng trên tay, phóng viên ngỏ ý muốn xem thông tin, nguồn gốc sản phẩm thì được nhân viên cửa hàng cho biết: “Tất cả hàng nhà em đều là hàng rep 1:1 (hàng giả) nhập từ bên Trung Quốc và kho ở Việt Nam về bán, không có đôi nào là hàng chính hãng đâu anh. Do vậy em chỉ tập chung bán cho học sinh, sinh viên thôi”. Ngoài ra theo quan sát của phóng viên, phía bên trong cửa hàng chứa nhiều vỏ hộp cùng những sấp giấy đủ loại thứ tiếng mà theo lời nhân viên đó là hóa đơn và nội dung thông tin được cho vào cùng bất cứ đôi giày nào nếu khách mua yêu cầu.
Khi phóng viên tỏ ra lo ngại về chất lượng của đôi giày Fake, nhân viên vội vàng trấn an: “Về chất lượng giày thì anh không phải lo, khi anh giặt phải bọc giấy ăn rồi phơi thì nó sẽ không bị ố vàng và bền giày. Đôi nào cũng phải bọc tránh ánh nắng, bên Tàu (Trung Quốc) bảo thế nên em làm theo”, nhân viên bán hàng cho hay.
Những đôi giày được bày bán tại đây có thiết kế không khác gì hàng thật. Thứ được gọi là hóa đơn để làm căn cứ chứng minh sản phẩm là hàng chính hãng được đóng thành từng sấp dày tại cửa hàng. Ảnh: Quang Minh
Sau khi thử một vài sản phẩm, phóng viên quyết định mua một đôi giày để kiểm tra chất lượng và cũng không quá ngạc nhiên khi chẳng nhận được bất cứ một giấy tờ nào liên quan đến nguồn gốc pháp lý của sản phẩm, hóa đơn bán hàng cũng không.
Chưa dừng lại ở đó, khi biết phóng viên có nhu cầu mua thêm một sản phẩm nhưng không còn size tại cửa hàng, nhân viên cam kết: “Anh cứ cọc trước cho em 100.000 đồng rồi em đặt kho mang lên cho anh. Xưởng em lấy hàng tận Hưng Yên, chắc là ngày mai có thôi, sớm nhất ngày mai hoặc chậm nhất ngày kia có luôn. Một đôi người ta cũng ship cho em”.
Không hiểu vì lý do gì mà cửa hàng Owl Shop vẫn ‘hiên ngang’ tồn tại trước sự quản lý của cơ quan chức năng quận Đống Đa?. Ảnh: Quang Minh
Theo quy định của luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019; Bộ luật Hình sự năm 2015; Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nêu rõ xử lý hành chính về hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa để buôn bán kiếm lời bị phạt tiền ở mức 50.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi giả mạo nhãn hiệu.
Về xử lý hình sự tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 192 Bộ luật Hình sự qui định người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc các trường hợp được qui định thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Khung phạt cao nhất đối với hành vi này là từ 07 năm đến 15 năm tù khi hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng giá trị trên 500.000.000 đồng trở lên.
Từ sự việc trên, đề nghị Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, Đội Quản lý thị trường quận Đống Đa vào cuộc kiểm tra, xác minh thông tin, có biện pháp xử lý dứt điểm sai phạm (nếu có) tại cửa hàng giày Owl Shop, hướng tới bình ổn thị trường, bảo đảm quyền lợi của người dân và doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Quang Minh