Hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng biến tướng tinh vi

Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đang là một vấn nạn của xã hội cho dù cơ quan chức năng đã và đang đấu tranh rất quyết liệt.

Việc mua hàng online tăng nhanh làm cho việc phòng chống, xử lý các hành vi liên quan đến SHTT của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Mới đây, chia sẻ tại hội thảo "Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam - Nhật Bản", đại diện 6 doanh nghiệp (DN) lớn của Nhật Bản (ASICS, Kikkoman, Kubota, Kokuyo, Daiichi Sankyo Healthcare, Panasonic) đã phản ánh thực trạng hàng giả, hàng xâm phạm SHTT được bán công khai trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam.

Đại diện Công ty Kobuta, chuyên sản xuất máy móc nông nghiệp, máy móc xây dựng, cho biết, từ năm 2008, DN này đã mở công ty bán hàng tại Bình Dương, bán chạy nhất là các loại máy nông nghiệp. Trong nhiều năm qua, nhiều loại máy của Kobuta bị "nhái" thiết kế, thương hiệu nên DN phải gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng để can thiệp.

Kho hàng giả trị giá gần 10 tỷ đồng ở Bắc Ninh vừa bị bắt tạm giam để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.Kho hàng giả trị giá gần 10 tỷ đồng ở Bắc Ninh vừa bị bắt tạm giam để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Sau đó, các DN có sản phẩm này buộc phải thay đổi mẫu mã. Hiện nay, một số sản phẩm giả mạo được rao bán trên Shopee tại Việt Nam, còn ở Trung Quốc là mạng xã hội Taobao nhưng rất khó để truy ra nguồn gốc, người tiêu dùng khó nhận biết đó là hàng giả.

Tương tự, đại diện Công ty Panasonic cũng cho biết, rất nhiều sản phẩm giả mạo thương hiệu này như máy sấy tóc, bình đun nước siêu tốc, pin, ổ cắm điện… được bán công khai trên mạng xã hội, sàn TMĐT.

DN xác định, Việt Nam là thị trường trọng điểm tiêu dùng sản phẩm của Panasonic nhưng cũng là thị trường trọng điểm phải chống hàng giả, bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng, tập trung vào hàng điện tử, gia dụng.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương cho biết, tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng phổ biến hơn và hình thức cũng tinh vi hơn. Đây là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các DN làm ăn chân chính...

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, không rõ nguồn gốc xuất xứ có nhiều chuyển biến tích cực. Địa bàn nổi cộm vi phạm giảm đáng kể so với trước đây, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân, DN sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh cũng đã được cải thiện.

Tuy nhiên, phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi, các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm SHTT liên tục thay đổi thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng.

Cùng với đó, cơ chế thực thi pháp luật còn chồng chéo, chưa đồng bộ, sự phối hợp của các cấp, các ngành chưa được chặt chẽ. Việc kiểm tra, xử lý của lực lượng thực thi gặp không ít khó khăn, đặc biệt là việc nhận biết hàng thật, hàng giả…

Mới đây, tại Hà Nội, lực lượng liên ngành cũng phát hiện một kho hàng chứa lượng lớn sản phẩm là mỹ phẩm dạng kem dưỡng, serum, mặt nạ dưỡng da và thực phẩm chức năng phục vụ nhu cầu làm đẹp, được dán nhãn, tem là thương hiệu nước ngoài. Trong số này có 840 lọ Blackmores Evening Primrose Oil, xuất xứ Australia, 1.300 mặt nạ Yujin, xuất xứ Korea, 16.362 chai dung dịch vệ sinh femfresh có dấu hiệu bị làm giả. Ngoài ra, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang sang chiết, đóng sản phẩm vào các hộp, chai, lọ, bên ngoài thể hiện các nhãn hiệu như Ronas, Ultra-V, Vitamin E, Gamma, Royal retinol… có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc, xuất xứ với khối lượng lên tới 40 tấn hàng hoá.

Sản phẩm thật-giả được doanh nghiệp Nhật Bản giới thiệu tại Hội thảo "Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam - Nhật Bản".Sản phẩm thật-giả được doanh nghiệp Nhật Bản giới thiệu tại Hội thảo "Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam - Nhật Bản".

Không chỉ ở Hà Nội mà nhiều tỉnh thành khác tình trạng sản xuất hàng giả hàng nhái cũng trở thành vấn nạn. Cụ thể, Quảng Ngãi vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán phân bón giả với quy mô hàng trăm tấn. Lực lượng liên ngành An Giang kiểm tra một cơ sở kinh doanh online đã tạm giữ hàng vạn sản phẩm may mặc không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, trị giá hàng hóa lên tới gần 400 triệu đồng…

Các đối tượng thường lập kho hàng ở vùng biên giới, sau đó thông qua chuyển phát nhanh đưa vào nội địa tiêu thụ. Các cơ sở sản xuất chia nhỏ công đoạn, khi có khách đặt thì gom lại để lắp ráp, đóng gói. Hiện nay, các đối tượng "xé nhỏ" kho hàng, đưa vào căn hộ chung cư, khu đô thị để "che mắt", đánh lừa lực lượng chức năng…

Bà Nguyễn Như Quỳnh, Chánh Thanh tra Bộ KH-CN khẳng định, Việt Nam rất nỗ lực thực thi các quy định quốc tế về phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm SHTT. Nhưng thực tế, hàng giả giao dịch trên nền tảng TMĐT đang thách thức việc kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm.

"Hiện nay, số vụ vi phạm hàng giả, hàng xâm phạm SHTT trên môi trường điện tử tăng rất nhanh. Các hành vi vi phạm rất tinh vi, cơ quan chức năng cũng khó nhận biết được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả”, bà Quỳnh cho biết thêm.

Để ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền SHTT, các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là vào những dịp cao điểm của vi phạm.

Trong đó, các đơn vị nghiệp vụ chủ động nắm chắc địa bàn và tình hình diễn biến thị trường; kịp thời nhận diện các vấn đề mới nổi cộm, phức tạp để tham mưu, chỉ đạo kiểm tra, xử lý, nhất là các đối tượng, vụ việc vi phạm liên tỉnh, quy mô lớn.

 Thanh Cao

 

Bài liên quan

Cùng chuyên mục