Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 3/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc nâng mức xử phạt các nghệ sỹ, người nổi tiếng... có phát ngôn lệch chuẩn và việc ngăn chặn, xử lý các quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội.
Quang cảnh buổi họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết: Theo quy định, mức xử phạt đối với hành vi phát ngôn lệch chuẩn trên mạng xã hội từ 5 đến 10 triệu đồng; các Sở Thông tin và Truyền thông thường lựa chọn mức xử phạt 7,5 triệu đồng.
Đối với 1 bộ phận lớn người dân, mức xử phạt này có tác động lớn, tuy nhiên đối với một số nghệ sỹ, người nổi tiếng, KOL (chuyên gia có mức độ ảnh hưởng đáng kể đến cộng đồng ...), người kinh doanh sản phẩm..., mức xử phạt này có thể còn thấp. Từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy khó có mức xử phạt đủ sức răn đe vì nhiều trường hợp nghệ sỹ có mức thu nhập hàng tỷ thì mức xử phạt trăm triệu cũng chưa đủ sức răn đe.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều biện pháp ngăn chặn việc phát ngôn lệch chuẩn trên mạng xã hội. Trước hết, Bộ đang trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, trong đó có những quy định cụ thể về sử dụng mạng xã hội. Dự kiến giữa năm 2024, Nghị định mới sẽ được Chính phủ ban hành. Khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ban hành các quy định xử phạt hành chính, trong đó có nội dung tăng mức phạt tiền và xử phạt bổ sung hành vi phát ngôn lệch chuẩn mạng xã hội.
Đồng thời, Bộ đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng quy định hạn chế hình ảnh đối với những người nổi tiếng, nghệ sỹ có hành vi lệch chuẩn trên sóng truyền hình cũng như các phương tiện biểu diễn. Việc chưa ban hành quy định này là do chờ chỉ thị của Đảng liên quan đến nội dung này để có căn cứ xử lý. Hiện, chỉ thị của Đảng đã được ký, thời gian tới hai bộ sẽ sớm triển khai việc ban hành quy chế này. Ngoài việc xử phạt hành chính, quy chế sẽ có các nội dung về hạn chế lan tỏa hình ảnh của người nổi tiếng, nghệ sỹ đến đông đảo khác giả. Khi thực hiện quy chế này sẽ bảo đảm được mức răn đe cao hơn.
Theo Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, hiện nay có một số trường hợp vi phạm không thể xác định được đối tượng do danh tính giả, cũng như nơi sinh sống không ở Việt Nam. Thời gian tới, Bộ sẽ bổ sung quy định xác thực danh tính người dùng mạng xã hội bằng số điện thoại. Đây cũng là một trong những giải pháp căn bản để khắc phục tình trạng này.
Đối với việc ngăn chặn quảng cáo sai sự thật, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử nêu rõ: Bộ Thông tin và Truyền thông không đủ sức xử lý các hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội nếu không có sự phối hợp của các bộ chuyên ngành. Bộ có thể yêu cầu ngăn chặn các quảng cáo sai phạm nhưng không thể thẩm định được chất lượng sản phẩm hàng hóa. Cần có sự phối hợp có tính trách nhiệm cao của các đơn vị chuyên ngành như Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường.
Đồng thời, các ngân hàng cũng nên thông tin tuyên truyền, cảnh báo lừa đảo để người dân biết được các hành vi lừa đảo. Nhân đây, ông Lê Quang Tự Do cũng đề nghị phóng viên gửi thông tin về các hành vi, thủ đoạn lừa đảo về Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử thông tin trên kênh thông tin xử lý tin giả để cảnh báo người dân.
Mai Anh