Tỉnh Lào Cai đang xây dựng Đề án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đến năm 2030.
Lào Cai phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới (Ảnh: internet)
Chiều ngày 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Giàng Thị Dung chủ trì cuộc họp nghe Sở Du lịch báo cáo về dự thảo Đề án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030.
Tại cuộc họp, Phó Chú tịch UBND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh, trước khi ký ban hành Đề án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030; Thường trực UBND tỉnh mong muốn được nghe thêm một lần nữa ý kiến của đại biểu các sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương đối với những nội dung còn chưa thống nhất, còn vướng mắc nhằm đạt được hiệu quả cao trong quá trình triển khai thực hiện. Xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng dựa trên các tiêu chuẩn trong nước, tiêu chuẩn ASEAN phù hợp với đặc trưng riêng có của từng khu vực. Định hướng phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Lào Cai đến năm 2030 phải phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội; chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch, các quy hoạch liên quan về đất đai, hạ tầng giao thông, đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Sở Du lịch cho biết, Lào Cai là một trong những tỉnh đầu tiên của Việt Nam xây dựng, áp dụng mô hình phát triển du lịch cộng gắn với xoá đói, giảm nghèo cho cộng đồng các dân tộc thiểu số. Giai đoạn trước năm 2015, du lịch cộng đồng chủ yếu phát triển tại Sa Pa và phần lớn mang tính tự phát. Sau đó, du lịch cộng đồng từng bước phát triển có hệ thống và đã được đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn 2030. UBND tỉnh Lào Cai, thị xã Sa Pa, huyện Bảo Yên đã ban hành các Kế hoạch liên quan đến xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng. Đặc biệt, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025; hiện đã giải ngân được 32 tỷ đồng cho các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng tại 06 huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, ban hành Nghị quyết một số nội dung, mức chi thực hiện các chương trình MTQG; trong đó hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn không quá 500 triệu đồng/sản phẩm và hỗ trợ xây dựng, triển khai mô hình thí điểm phát triển du lịch nông thôn không quá 3 tỷ đồng/mô hình.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 13 điểm du lịch cộng đồng được công nhận và hệ thống các làng, thôn, bản có thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch. Các điểm du lịch cộng đồng tập trung chủ yếu ở thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà và từng bước mở rộng sang huyện Bát Xát, Bảo Yên. Toàn tỉnh Lào Cai có khoảng 2.000 lao động tham gia hoạt động du lịch cộng đồng. Hiện nay Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chưa ban hành quy định hướng dẫn mô hình quản lý du lịch cộng đồng. Để đáp ứng nhu cầu trên địa bàn, thị xã Sa Pa đã ban hành Quy chế và thành lập Ban Quản lý du lịch cộng đồng tại 5 xã; năm 2023, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định quy định một số nội dung về quản lý hoạt động du lịch, khu du lịch, điểm du lịch; trong đó định hướng, hướng dẫn mô hình chung quản lý du lịch cộng đồng…
Cũng theo Sở Du lịch Lào Cai, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch cộng đồng giai đoạn 2015 - 2023 chủ yếu được lồng ghép với hoạt động xúc tiến chung của tỉnh Lào Cai. Đã xây dựng các ẩn phẩm quảng bá du lịch chợ phiên, leo núi, tâm linh, bản đồ Sa Pa, Bắc Hà; in ấn bộ công cụ nhận diện thương hiệu của du lịch Lào Cai, sách ảnh du lịch Lào Cai...
Sau thời gian do tác động của dịch Covid-19, du lịch cộng đồng tỉnh Lào Cai từng bước được phục hồi. Năm 2023, du lịch cộng đồng đón khoảng 700.000 lượt khách, doanh thu chiếm khoảng 5% tổng thu từ du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, hầu hết các điểm du lịch chưa thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại địa phương; chưa đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch thiết yếu theo quy định; còn tồn tại vấn đề về xử lý ô nhiễm, vệ sinh môi trường; phần lớn các homestay vẫn chưa được công nhận theo tiêu chuẩn…
Theo dự thảo Đề án, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Lào Cai phấn đấu đón 1,7 triệu lượt khách tham quan loại hình du lịch cộng đồng; thu từ du lịch cộng đồng chiếm 10% tổng số thu từ khách du lịch của tỉnh.
Có 7 mô hình du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn ASEAN, 25 mô hình du lịch cộng đồng đáp ứng điều kiện điểm du lịch cấp tỉnh hoặc TCVN 13259:2020 Du lịch cộng đồng - Yêu cầu về chất lượng dịch vụ; nâng cao chất lượng dịch vụ homestay hiện có, thúc đẩy phát triển mới khoảng 94 cơ sở homestay (đạt 560 cơ sở); tạo việc làm cho 2.500 lao động; nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, ẩm thực, nông nghiệp. Qua đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng thành công nông thôn mới. Dự kiến nhu cầu vốn để thực hiện Đề án gần 338 tỷ đồng.
Thảo luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đề nghị điều chỉnh về tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương cho phù hợp với tài nguyên tự nhiên, tài nguyên du lịch văn hoá; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch như đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, công nghệ thông tin, cơ sở homestay… tạo điều kiện thuận lợi phục vụ du khách và dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các điểm du lịch; tiếp tục duy trì, kéo dài chính sách, cơ chế hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trong giai đoạn sau năm 2025 đến hết năm 2030; hỗ trợ quy hoạch về đất đai bài bản ngay từ đầu để đảm bảo thống nhất trong thực hiện; nghiên cứu, xem xét bổ sung một số điểm du lịch tiềm năng tại huyện Bát Xát, thành phố Lào Cai, huyện Mường Khương; kêu gọi một số doanh nghiệp đầu tư vào phát triển du lịch cộng đồng; phát triển…
Hải Minh