Tại Nghị định 46/2024/NĐ-CP, hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã có những thay đổi nhất định so với những quy định trước đây.
Nhiều điểm mới trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực sở hữu công nghiệp
Ngày 04/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 46/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định 126/2021/NĐ-CP. Nghị định 46/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.
Tại Nghị định 46/2024/NĐ-CP, hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã có những thay đổi nhất định so với những quy định trước đây.
Những điểm mới trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực sở hữu công nghiệp
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.
* Hình thức xử phạt bổ sung
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý;
- Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp; thẻ giám định viên; giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hành nghề giám định từ 01 tháng đến 03 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành;
- Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ từ 01 tháng đến 03 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành.
(Hiện hành quy định tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP: Đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ 01 tháng đến 03 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành).
* Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (Một số nội dung mới sửa đổi theo Nghị định 46/2024/NĐ-CP).
Ngoài các hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị buộc áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
- Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, phương tiện kinh doanh; buộc trả lại tên miền; buộc thu hồi tên miền; buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp;
(Hiện hành quy định tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP: Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, phương tiện kinh doanh và tiêu hủy yếu tố vi phạm; buộc thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền; buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp).
- Buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý;
- Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm trên tang vật, phương tiện vi phạm;
- Buộc tiêu hủy hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; tang vật, phương tiện vi phạm nếu không loại bỏ được yếu tố vi phạm gắn trên tang vật, phương tiện vi phạm đó; hàng hóa vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường; tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo; tem, nhãn, bao bì, vật phẩm khác mang yếu tố vi phạm;
- Buộc bổ sung chỉ dẫn về sở hữu công nghiệp;
- Buộc cải chính công khai đối với các hành vi chỉ dẫn sai về quyền sở hữu công nghiệp;
- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có căn cứ xác định số lợi bất hợp pháp; buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật trong trường hợp có căn cứ xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy; buộc trả tiền đền bù trong trường hợp có căn cứ xác định giá chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bị xâm phạm trong phạm vi và thời hạn sử dụng tương ứng;
- Buộc nộp lại giấy tờ, tài liệu bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp các loại giấy tờ, tài liệu đó.
Ngoài ra, việc buộc phân phối hoặc buộc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý quy định tại Nghị định 46/2024/NĐ-CP phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, còn có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định được bổ sung tại Nghị định 46/2024/NĐ-CP.
Mai Anh