Những ngày này, nhiều tỉnh vùng núi phía Bắc liên tiếp có các đợt không khí lạnh tăng cường khiến nền nhiệt giảm sâu, những điểm được dự báo có tuyết rơi tại Lạng Sơn, Lào Cai... thu hút hàng nghìn người đổ về.
Ảnh minh họa.
Đi đường đèo núi vốn đã nguy hiểm, nay có thêm sương mù, băng tuyết khiến việc lưu thông trên những cung đường này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông hơn bao giờ hết. Vì vậy, những ai có ý định mạo hiểm một chuyến đi để thưởng thức vẻ đẹp đất trời núi rừng phía Bắc cần “thủ sẵn” những kinh nghiệm sau đây.
Chú trọng chuẩn bị trước hành trình
Di chuyển dưới thời tiết lạnh trên một quãng đường dài đòi hỏi nhiều năng lượng. Do đó việc chuẩn bị thêm thực phẩm, nước uống là điều rất quan trọng. Cùng với đó, chăn ấm, thuốc phòng cảm cúm cũng không thể thiếu. Để ứng phó với giá lạnh, một số dụng cụ như dao cạo kính, đèn pin... cũng là thứ nên mang theo. Tốt nhất, quần áo sử dụng cũng nên có tông màu nổi bật, như xanh, đỏ, tím...
Đối với phương tiện di chuyển, việc phải trang bị bộ lốp phù hợp giá lạnh là điều rất quan trọng. Do đặc thù là nước nhiệt đới, hầu hết ô tô bán ra tại Việt Nam lâu nay - đặc biệt là xe đô thị - thường được lắp sẵn lốp mùa hè, không phù hợp cho việc di chuyển trên bề mặt đường trơn đóng băng.
Hãy bảo đảm chiếc xe bạn định sử dụng cho chuyến đi được lắp loại lốp phù hợp mọi thời tiết (All Weather), hoặc tốt nhất là lốp mùa đông (Winter Tire). Nếu không có điều kiện thay lốp, tối thiểu cần bảo đảm lốp sử dụng còn tốt, với vân lốp dày và không có các dấu hiệu hư hại nhận biết được bằng mắt thường. Một số lái xe lâu năm có thể khuyên bạn mang theo xích bọc bánh để dễ đi trên tuyết. Tuy nhiên, kỹ thuật này không khả thi với đại đa số người dùng ô tô.
Trước khi đi, nên bảo đảm xe có đèn vàng nổi bật trong tuyết (có thể sử dụng decal để đổi màu đèn xe). Với các xe màu sáng, việc sử dụng thêm decal màu đỏ để phương tiện khác dễ nhận biết cũng là điều nên làm.
Lưu ý lái xe trong điều kiện nhiệt độ thấp
Trước hết, người điều khiển phương tiện cần thận trọng, chú ý quan sát, sử dụng đèn pha, đèn sương mù, đèn gầm khi di chuyển trên đường, đặc biệt tập trung vượt các đường cua, đèo dốc; đồng thời, tuyệt đối tuân thủ hiệu lệnh của người chỉ huy giao thông.
Một nguyên tắc quan trọng cần nhớ khi di chuyển dưới trời giá lạnh là xe bám đường rất kém ở tốc độ cao, đồng thời, hành trình phanh cũng tăng cao đáng kể.
Chính vì thế, việc di chuyển ở tốc độ đủ chậm để bảo đảm khả năng kiểm soát xe là cần thiết, song song giữ khoảng cách xa hơn với phương tiện phía trước so với thói quen di chuyển thường ngày. Một số chuyên gia cho rằng, nếu mặt đường đóng băng, hãy luôn bảo đảm khoảng thời gian phanh khẩn cấp đạt tối thiểu 5-6 giây.
Giữ đều tốc độ, dù chậm, là bí quyết quan trọng, bởi chuyển hướng hoặc đạp ga bất thường đều dễ gây mất kiểm soát xe.
Trên đường trơn do băng tuyết, tài xế nên hạn chế tình huống đánh lái nhanh và không sử dụng phanh đột ngột, kể cả khi xe có ABS (hệ thống phanh chống bó cứng) để tránh rơi vào thế mất kiểm soát xe. Muốn làm được như vậy cần giữ ga đều và chủ động di chuyển ở tốc độ chậm. Thao tác này cũng giúp tránh phải dừng xe hoàn toàn, rất bất lợi khi lên dốc trơn.
Việc dồn ga đột ngột trên bề mặt đường đóng băng - dù là đề pa từ vị trí đứng yên hay đang di chuyển - sẽ khiến bánh xe quay tự do trên mặt đường, dễ dẫn tới tình trạng mất lái, rất nguy hiểm nếu đang trên các cung đèo núi chật hẹp và hiểm trở.
Trước khi lên dốc, lái xe cũng nên bình tĩnh chờ đường thoáng, trước khi lấy đà và cố gắng vượt dốc chỉ bằng một lượt ga, thay vì tiến lùi liên tục bám đuôi xe khác.
Ngoài ra, không sử dụng hệ thống kiểm soát hành trình khi di chuyển trên những cung đường trơn, tuyệt đối không ỷ lại vào các tính năng hỗ trợ của xe kể cả khi chúng được nhà sản xuất xe tung hô tới thế nào chăng nữa.
Trong trường hợp tuyết rơi quá dày hoặc băng đóng nhiều, cần xem xét tạm ngừng lưu thông do hệ thống an toàn của nhiều dòng xe bán tại Việt Nam hiện nay không có các chức năng hỗ trợ phù hợp.
Những kinh nghiệm cần lưu ý khi sử dụng xe dưới băng tuyết
Bên cạnh những kỹ năng điều khiển xe, người dùng cũng nên lưu tâm một số kinh nghiệm sử dụng phương tiện dưới thời tiết lạnh giá, như:
- Tuyệt đối tránh làm nóng xe ở những khu vực khép kín. Khí CO thoát ra từ ống xả ô tô là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tử vong đáng tiếc.
- Khi di chuyển, luôn giữ bình xăng còn ít nhất một nửa để tránh tình trạng bị cô lập ở một nơi nào đó mà không có nguồn nhiệt hay phương tiện thoát ra.
- Luôn để ý vệ sinh ống xả, tránh nước đóng băng gây tắc. Khi điều này xảy ra, khí thải độc hại có thể lọt vào khoang lái gây ra những rủi ro chết người.
- Trước khi dừng xe lâu, nên dựng cần gạt mưa để tránh tuyết nặng gây gãy. Sau khi đỗ, nếu kính lái đọng tuyết nhiều, cần tránh gạt bằng cần có thể gây cháy mô tơ điện. Thay vào đó, hãy tự tay vệ sinh sạch tuyết trước khi khởi hành.
- Nếu “mải chơi” dẫn tới bị mắc kẹt trong tuyết, cần hạn chế đi quá xa phương tiện đề phòng thời tiết chuyển biến xấu hoặc sức khỏe bất ngờ có vấn đề. Nên giữ đèn tín hiệu của xe để lực lượng cứu hộ có thể tìm tới nơi dễ dàng.
- Trong trường hợp bị kẹt quá lâu, có thể do tắc đường, không nên lạm dụng hệ thống sưởi, mà chỉ sử dụng vừa đủ để xe không bị đóng băng. Ở những tình huống này, điều quan trọng hơn cả là giữ ấm cơ thể và bảo đảm có đủ thực phẩm trong thời gian chờ đợi.
HOÀNG LINH