Quảng Ninh là địa phương tiên phong trong cả nước ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản với yêu cầu chính yếu là chuyển đổi toàn bộ phao xốp hiện có trong nuôi trồng thủy sản sang vật liệu thân thiện môi trường - tức vật liệu có các thông số tương đương tổ chức FAO quy chuẩn cho HDPE.
Trước thời điểm Quảng Ninh ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản, toàn tỉnh có khoảng 1 ha nuôi cá biển và nhuyễn thể sử dụng ống nhựa HDPE và khoảng 64.000 thùng phuy nhựa tái chế. Đây đều là những mô hình điểm, nằm trong nhiều chương trình tài trợ, thử nghiệm khác nhau của Nhà nước.
Số lượng phao xốp trong nuôi trồng thủy sản được các địa phương rà soát thời điểm trước tháng 8/2020 là trên 10 triệu quả, trong đó tại Vân Đồn có đến hơn 9 triệu quả.
Hiện nay, sau khi các địa phương rà soát lại (tháng 2/2022) số lượng phao xốp trong nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh là trên 3 triệu quả, trong đó tại huyện Vân Đồn là gần 2,7 triệu quả.
Quy chuẩn địa phương về vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản ra đời, những người trong cuộc hiểu hơn về tính thiếu bền vững và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển của phao xốp, cũng như sự cần thiết phải thay thế phao xốp bằng phao nhựa HDPE.
Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản chuyển đổi phao xốp sang phao nổi HDPE...
Từ năm 2021 đến nay, nhất là trong 3 tháng đầu năm 2022, số lượng hộ dân, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản thực hiện chuyển đổi từ phao xốp sang phao nhựa HDPE đã có sự chuyển biến. Thống kê của Chi cục Thủy sản, tính đến hết tháng 3/2022, toàn tỉnh chuyển đổi được 38.000 quả phao, chiếm 12% số liệu rà soát tháng 2 vừa qua về tổng số phao xốp cần chuyển đổi sang phao nhựa HDPE.
Các địa phương Đầm Hà, Hạ Long, Quảng Yên đạt tỷ lệ chuyển đổi khá cao, lần lượt là 56%, 95% và 53%. Các địa phương còn lại là Móng Cái, Hải Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Cẩm Phả tỷ lệ chuyển đổi từ phao xốp sang phao nổi HDPE đạt dưới 50%.
Riêng huyện Vân Đồn, địa phương có gần 2,7 triệu phao xốp, chiếm tới 90% số phao xốp toàn tỉnh, hiện mới chuyển đổi được 9%. TP Móng Cái là địa phương duy nhất toàn tỉnh đến thời điểm này, chưa thực hiện chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nay đến cuối năm, toàn tỉnh cần phải chuyển đổi xong 2,7 triệu quả phao xốp còn lại, trong đó đến 2,5 triệu quả nằm ở Vân Đồn. Như vậy, số lượng phao xốp cần chuyển đổi của Vân Đồn trong 9 tháng tới gấp trên 6 lần tổng số phao xốp đã chuyển đổi của toàn tỉnh - con số rất lớn.
Cái khó của chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE là vấn đề vốn đầu tư ban đầu đối với người nuôi trồng thủy sản, trong khi nguồn thu giảm do hạn chế tiêu thụ sản phẩm vì dịch Covid-19.
Hiện các đơn vị sản xuất và cung ứng phao nhựa HDPE đã đưa ra các chính sách hậu mãi cho người dân như đảm bảo chất lượng, bảo hành sản phẩm, cam kết thu mua lại sản phẩm cũ sau sử dụng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản cho các hộ chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE…
Tuy nhiên, tại thời điểm này, các chính sách hậu mãi dường như chưa được thực hiện. Mặt khác, việc cung ứng phao nhựa HDPE đã xuất hiện các trường hợp làm giả, nhái, phao chưa được hợp quy trà trộn...
Ngoài đẩy mạnh tiến độ chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa đáp ứng yêu cầu đặt ra, một bất cập mà các đơn vị chức năng cần phải giải quyết đó là số phao cần chuyển đổi giữa 2 lần các địa phương đã rà soát (trước tháng 8/2020 và tháng 2/2022) có sự chênh lệch quá lớn, giảm từ trên 10 triệu quả xuống trên 3 triệu quả.
Trong khi đó, số liệu thống kê cuối năm 2021, tổng diện tích nuôi và sản lượng cá biển và nhuyễn thể của Quảng Ninh không giảm so những năm trước đây. Điều đó đòi hỏi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát lại, thẩm định một cách tổng thể, sát thực tế để lấy đây làm cơ sở thực hiện và đánh giá kết quả chuyển đổi vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh.
Có như vậy, Quảng Ninh mới thật sự đạt mục tiêu chuẩn hóa được vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản, tiến tới nền thủy sản bền vững, giá trị cao, thân thiện môi trường và bảo vệ nguồn lợi biển.
Thủy Hương