Theo Thống đốc Ngân hàng, từ nay đến cuối năm 2021, NHNN sẽ kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán. Tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng để kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
"Tín dụng là lĩnh vực được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quan tâm trong chỉ đạo điều hành bởi đặc thù của nền kinh tế của chúng ta là vốn của doanh nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Hiện dư nợ tín dụng/GDP trên 140%. Con số này thường được Ngân hàng Nhà nước đặt ra và lưu tâm trong những nhiều năm qua, để điều hành làm sao đảm bảo được vốn cho nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo dược rủi ro."
Đó là nhấn mạnh của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tín dụng năm 2021 của ngành ngân hàng diễn ra ngày 14/4.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng chung cho năm 2021 là 12%, tăng trưởng hợp lý với nâng cao chất lượng tín dụng gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm soát đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
"Tín dụng là một trong những lĩnh vực Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm trong chỉ đạo điều hành, là trụ cột điều hành hàng năm để đưa ra định hướng điều chỉnh phù hợp với thực tế, phù hợp đặc thù với kinh tế Việt Nam. Ở Việt Nam, nguồn vốn sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp vẫn phụ thuộc chủ yếu từ vốn ngân hàng. Bản chất vốn ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn, lưu động", Thống đốc cho hay.
Với định hướng tăng trưởng tín dụng chung cho năm 2021, Thống đốc yêu cầu các ngân hàng thương mại điều hành tín dụng mở rộng đi đôi với chất lượng tín dụng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, phù hợp với cơ cấu phòng ngừa rủi ro đảm bảo trong hoạt động luôn đáp ứng khả năng chi trả của người dân trong bất kỳ thời điểm nào.
Báo cáo tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Tuấn Anh cho biết tính đến 31/3, tín dụng nền kinh tế đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2020. Kết quả này tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái (quý 1/2020, tín dụng tăng trưởng chỉ 1,3%).
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Các ngân hàng cần điều hành tín dụng tăng trưởng đi đôi với chất lượng, không đánh đổi lợi nhuận với rủi ro
Cũng theo ông Tuấn Anh, đến hết quý 1/2021, dư nợ đầu tư vào chứng khoán khoảng 45.300 tỷ đồng, dư nợ tín dụng vào bất động sản khoảng 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với 31/12/2020. Sự sôi động của thị trường bất động sản, trái phiếu, chứng khoán trong nước thời gian qua có thể tiềm ẩn rủi ro với hoạt động ngân hàng.
Trao đổi với lãnh đạo các ngân hàng thương mại, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thời gian qua trên các phương tiện truyền thông có đặt câu hỏi về việc tăng trưởng tín dụng có đi vào lĩnh vực rủi ro không khi các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán... tăng nóng.
Từ đó, Thống đốc lưu ý các ngân hàng phải đảm bảo mở rộng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng, tăng tưởng tín dụng vào lĩnh vực theo đúng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ. Tín dụng phù hợp với cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng để phòng rủi ro về chênh lệch kỳ hạn, chênh lệch tiền, đảm bảo khả năng chi trả cho người dân ở bất cứ thời điểm nào. Đặc biệt, không đánh đổi lợi nhuận với rủi ro của tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cần phải có cảnh báo kịp thời ngăn ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng và thực hiện thanh tra, kiểm tra khi cần thiết.
“Cơ quan thanh tra giám sát chặt chẽ diễn biến tín dụng, cảnh báo kịp thời, ngăn ngừa rủi ro, thanh tra nếu cần thiết. Đảm bảo cho cả hệ thống tổ chức tín dụng an toàn, thực hiện vai trò trung gian tài chính cho nền kinh tế và đảm bảo an toàn, phục vụ lâu dài cho nền kinh tế,” Thống đốc yêu cầu.
Từ nay đến cuối năm 2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán. Tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng để kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Ngành ngân hàng cũng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Thiên Trường
Sẽ kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, dự án BOT, chứng khoán, BT giao thông