Sốt xuất huyết tăng mạnh, nguy cơ “dịch chồng dịch”

Lo lây nhiễm COVID-19, nhiều người có triệu chứng của sốt xuất huyết (sốt, đau mỏi người...) đã không dám tới bệnh viện để thăm khám, điều trị hoặc chỉ đi khám sàng lọc SARS-CoV-2. Đây là một trong những sai lầm thường gặp của người dân trước nguy cơ dịch chồng dịch.

Trung tuần tháng 9, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP.HCM) tiếp nhận 1 trường hợp trẻ sơ sinh 28 ngày tuổi, ngụ ở Cà Mau, được chuyển đến từ bệnh viện địa phương. Khai thác bệnh sử ghi nhận bệnh nhi đã sốt 3 ngày, nôn ói, ọc sữa 4-5 lần/ngày, tiêu phân sệt có lẫn ít máu, xuất hiện nhiều chấm xuất huyết da vào ngày thứ 3. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị sốt xuất huyết nặng, tổn thương gan nặng, rối loạn đông máu nặng, xuất huyết tiêu hóa.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, trẻ được truyền dịch, truyền máu, truyền tiểu cầu, huyết tương tươi đông lạnh, vitamin K1, điều trị hỗ trợ gan…. Sau hơn 1 tuần điều trị tình trạng trẻ cải thiện dần, bú được, tỉnh táo. Các bác sĩ cho biết, đây là trường hợp sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh biểu hiện tổn thương gan nặng hiếm gặp được cứu sống.

Hai tháng qua, Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em tiếp nhận khoảng 70 trẻ mắc sốt xuất huyết, trong đó có những trẻ mới chỉ 5-6 ngày tuổi. Nơi đây đang điều trị cho hơn chục bệnh nhi sốt xuất huyết; tất cả đều ở Hà Nội, trong độ tuổi từ 2-10, có các triệu chứng chỉ định nhập viện. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện tăng cao từ đầu tháng 9 đến nay.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Khoảng nửa tháng qua có hơn 100 người phải nhập viện. Bác sĩ Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus - Kí sinh trùng, cho hay, đêm 30/9, khoa tiếp nhận cùng lúc 17 bệnh nhân sốt xuất huyết. Theo bác sĩ Thư, trước đây, bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em, nhưng hiện nay có xu hướng gia tăng ở người cao tuổi. Người già mắc sốt xuất huyết trên nền bệnh mạn tính có sẵn cần phải được chăm sóc và theo dõi sát, bởi chỉ 1-2 ngày, bệnh nhân có thể chuyển nặng.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, nói: “Từ đầu năm 2021 đến nay, riêng Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp sốt xuất huyết Dengue phải nhập viện, đặc biệt có nhiều trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh nhân có các bệnh nền như suy tim, suy thận, bệnh gan, phổi mạn tính…

Bác sĩ Cường cho biết: “Trung tâm từng tiếp nhận 1 ca mắc sốt xuất huyết với các triệu chứng điển hình, nhưng người này đến bệnh viện muộn do nghĩ mình sốt, đau mỏi cơ là phản ứng phụ sau tiêm vắc xin phòng COVID-19. Đến ngày thứ 3, bệnh nhân hết sốt, xuất hiện ban đỏ vùng mặt kèm ban đỏ rải rác toàn thân, mệt mỏi… mới đi khám”. Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cho làm các xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, được điều trị theo phác đồ sốt xuất huyết. Sau 6 ngày điều trị theo đúng phác đồ của bệnh, bệnh nhân đã được xuất viện.

Theo ông Cường, một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn sốt xuất huyết với COVID-19 như sốt, đau mỏi cơ, mệt mỏi. Đây là yếu tố dễ dẫn đến những sai lầm mà người dân và nhân viên y tế có thể mắc phải trong việc chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Do đó, nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ cẩn thận, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra hậu quả đáng tiếc.

 Thái Hà

Cùng chuyên mục