Ngày 15/11, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo "Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử tại Việt Nam".
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Trần Hữu Linh phát biểu.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, trong 10 tháng năm 2023, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn biến phức tạp và tiếp tục gia tăng, nhất là đối với các mặt hàng đường cát, thuốc lá điếu, hàng điện tử đã qua sử dụng...
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Trần Hữu Linh cho biết, hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, không bày bán tràn lan như trước đây, mà sau khi hàng hóa qua biên giới, các đối tượng tập kết tại kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc để tại nhà riêng, sau đó, các đối tượng lợi dụng việc kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử, để kinh doanh hàng hóa vi phạm, gây khó khăn cho công tác nắm bắt, kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng.
Trong 10 tháng năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước kiểm tra 62.338 vụ việc, xử lý 44.554 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 410 tỷ đồng...
Tại Hội thảo, lãnh đạo Tổng cục trưởng Quản lý thị trường nhấn mạnh, hiện nay xu hướng mua hàng của người dân đang chuyển mạnh từ truyền thống sang mua hàng online. Người dân chỉ cần đặt hàng online và 2, 3 ngày sau thì háng hóa được giao tận tay.
Các sàn giao dịch thương mại điện tử đang là nơi mua sắm phổ biến của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh sự thuận tiện thì việc mua bán trên sàn thương mại điện tử cũng tạo ra những thách thức không nhỏ đối với lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa vi phạm
Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương, hiện nay thói quen mua sắm của người dân đã thay đổi, từ phương thức mua sắm trực tiếp, truyền thống sang mua sắm online. Ước tính mỗi người chi tiêu cho mua sắm online vào khoảng 251 USD/năm. Nhiều phương thức bán hàng mới đã xuất hiện, gắn liền với nền tảng thương mại điện tử. Từ đó, các hành vi vi phạm mới gắn liền với thương mại điện tử cũng xuất hiện.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng, khó khăn lớn nhất là các đối tượng chỉ bán online qua mạng xã hội, không có địa chỉ rõ ràng, hàng hóa được phân tán nhiều nơi và chỉ giao hàng với số lượng nhỏ, bán hàng qua hệ thống cộng tác viên, trung gian, sử dụng KOLs livestream.
“Các đối tượng xoá dấu vết rất nhanh. Website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng và rất khó kiểm soát”, ông Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ.
Để đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái trên môi trường thương mại điện tử, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh: "Thương mại điện tử, mạng xã hội là không gian vô cùng rộng lớn, xuyên biên giới, do vậy, lực lượng quản lý thị trường cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người, để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng chống hàng giả trên thương mại điện tử".
"Toàn ngành quản lý thị trường cần đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; lực lượng quản lý thị trường xác định, chống hàng giả trên thương mại điện tử là nhiệm vụ chủ chốt. Đơn vị xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro trong việc giao dịch mua bán hàng hóa qua mạng xã hội".
Nguyễn Kiên