Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Trần Hữu Linh: "Nếu không có chế tài phù hợp, đủ sức răn đe thì thị trường kinh doanh điện tử sẽ trở thành nơi tàng trữ, phân phối, buôn bán hàng giả, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, giảm niềm tin của người tiêu dùng và làm cản trở sự phát triển của nền kinh tế đất nước".
Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức mở cửa Phòng trưng bày “hiểu hàng thật - tránh hàng giả”
Theo các chuyên gia, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không hiện đại hóa công nghệ chống hàng giả, thì rất khó kiểm soát và ngăn chặn các thủ đoạn ngày càng tinh vi của những kênh phân phối hàng giả. Do đó, việc tìm kiếm các giải pháp chống giả, sẽ giúp thống nhất quy chuẩn quốc gia, để cơ quan chức năng đề xuất tiêu chuẩn kỹ thuật chung của các loại tem chống hàng giả, phục vụ cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh, tránh lãng phí các nguồn lực xã hội trong việc nghiên cứu các giải pháp chống giả riêng của từng đơn vị.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Trần Hữu Linh cho biết:
Thương mại điện tử hiện là môi trường hoạt động chủ yếu không chỉ của người bán, người mua mà cả với lực lượng chức năng. Với xu thế này, hàng giả, hàng nhái kinh doanh qua nền tảng thương mại điện tử đang dần trở nên phổ biến và đây sẽ là mặt trận đấu tranh chủ yếu của lực lượng quản lý thị trường trong thời gian tới.
Tuy vậy, để công tác đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm đạt hiệu quả, thì các lực lượng chức năng cần có nguồn nhân lực, đặc biệt là công cụ, phương pháp phù hợp chứ không thể "tay không bắt giặc".
Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh: "Nếu không có chế tài phù hợp thì kinh doanh online sẽ trở thành nơi tàng trữ, phân phối, buôn bán hàng giả, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, giảm niềm tin của người tiêu dùng và làm cản trở sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Chống gian lận thương mại, hàng giả trên mạng cần có các giải pháp công nghệ cụ thể, để định danh, xác định được người mua, người bán, người vận chuyển, sản phẩm hàng hóa... góp phần phòng ngừa các rủi ro".
Theo TS. Đinh Lê Hải Hà, Phó Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), kinh doanh thương mại điện tử cần đảm bảo quyền lợi đầy đủ của khách hàng, cần có giải pháp quản lý thương nhân cung cấp hàng hóa dịch vụ, gắn liền với thương nhân tổ chức sàn thương mại điện tử và hệ sinh thái thương mại điện tử. Phải luật hóa việc sử dụng thông tin chủ hàng và khách hàng tại các sàn thương mại điện tử và các nhà cung cấp ứng dụng (app);
Ngoài ra, cần tăng cường quản lý hóa đơn giao hàng, xác định trách nhiệm liên đới trong chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tăng cường các giải pháp kỹ thuật để đưa ra các mức độ cảnh báo, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại trên môi trường mạng.
Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, song rất nhiều người tiêu dùng gặp trở ngại khi mua sắm online. Đó là, việc chất lượng hàng hóa kém hơn so với quảng cáo; giá cả thường cao hơn so với việc mua bán trực tiếp; chi phí vận chuyển cao; đặt hàng rắc rối; lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ; dịch vụ chăm sóc khách hàng kém... Trở ngại lớn nhất của người tiêu dùng trong mua sắm online đó là chất lượng hàng hóa. Nhiều khi đặt hàng xong, hàng nhận về khác xa so với hình ảnh quảng cáo.
Theo ông Lê Đức Anh, cần áp dụng giải pháp công nghệ tiên tiến trong định danh người bán, người mua, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong thương mại điện tử để phòng chống hàng giả.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện hạ tầng, khung pháp lý và chính sách phát triển thương mại điện tử và kinh tế số. Năm 2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã xây dựng Hệ sinh thái số tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, bao gồm hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử giữa người dân và doanh nghiệp.
"Hệ sinh thái số sẽ góp phần bảo vệ nhãn hàng trên môi trường trực tuyến, đảm bảo giao dịch trong thương mại điện tử, giải quyết khiếu nại tranh chấp, xác thực và định danh chủ thể trong thương mại điện tử", ông Lê Đức Anh thông tin.
Bà Đỗ Thị Xuân Hương, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá, hiện nay trên thị trường có nhiều giải pháp chống hàng giả, như: Dán tem chống hàng giả, công nghệ nhận diện bằng hình ảnh, truy vết hàng hóa, định danh người bán hàng. Trong đó, dán tem chống hàng giả là giải pháp truyền thống phổ biến.
Thương mại điện tử là kênh phân phối hàng hóa ngày càng phát triển, là môi trường thuận lợi cho việc kinh doanh hàng giả hàng nhái. Vì vậy, cần có giải pháp truy vết hàng hóa, định danh người bán hiệu quả, cần đảm bảo tính chính xác, "chống làm giả các công nghệ làm giả"; tính tiện lợi, tính hiệu quả về chi phí.
Bà Hương kiến nghị, Chính phủ ban hành các quy định tiêu chuẩn về truy vết hàng hóa, định danh người bán trên thương mại điện tử; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai giải pháp.
Người tiêu dùng cần nâng cao ý thức cảnh giác, thận trọng, kiểm tra kỹ thông tin về sản phẩm, người bán. Đối với cơ sở kinh doanh, vận chuyển hàng hóa cần đảm bảo hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm sau khi đóng gói phải sử dụng tem chống giả và phải định danh được người bán. Hàng hóa khi lưu thông cần được đính kèm hóa đơn điện tử, nhằm chống gian lận thương mại thất thu thuế.
Nguyễn Kiên