Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Y tế và các địa phương triển khai thần tốc hơn nữa tiêm chủng vắc-xin COVID-19, bảo đảm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả; tập trung nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4, khẩn trương nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến 12 tuổi.
Phát biểu tại chương trình kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam tối 27/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự vui mừng, xúc động khi có mặt để tôn vinh và tri ân những người tiếp tục viết nên phẩm giá cao quý của ngành y, nhất là khi cả dân tộc ta vượt qua khó khăn, kiên cường, đoàn kết chống lại dịch bệnh COVID-19.
Nhìn lại hơn 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát và gây hệ lụy nghiêm trọng trên toàn cầu và nước ta, những “chiến sĩ áo trắng”, “anh hùng khoác áo blouse” luôn là hình ảnh đẹp về sự hy sinh, về y đức, về sự quả cảm, về tấm lòng nhân ái.
"Chúng ta nhớ đến những cán bộ và nhân viên y tế hết mình phục vụ trong các cơ sở y tế, trong các khu cách ly, nhất là vào thời điểm dịch diễn biến phức tạp nhất ở TP HCM và các tỉnh phía Nam. Hơn 25.000 chuyên gia, cán bộ y tế, y bác sĩ, sinh viên các trường y dược đã không quản ngại vất vả và hiểm nguy lên đường hỗ trợ các địa phương. Chúng ta nhớ đến hình ảnh những nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ giữa mùa hè, ướt đẫm mồ hôi, những bàn tay nhăn nheo... Đặc biệt là những cử chỉ ân cần, vỗ về, an ủi thậm chí chăm sóc thay người nhà bệnh nhân trong lúc cứu chữa bệnh... "- Thủ tướng chia sẻ.
Cùng với đó là những bác sĩ và nhân viên y tế đã phục vụ chữa bệnh ở các cơ sở y tế cho nhân dân trên mọi miền Tổ quốc với tần suất làm việc không kể ngày đêm, gánh vác công việc gấp nhiều lần lúc bình thường do nhiều đồng nghiệp phải tăng cường phục vụ phòng, chống dịch COVID-19...
Theo Thủ tướng, có lẽ điều ám ảnh, day dứt nhất đối với nhiều bác sĩ, nhân viên y tế là khi phải chứng kiến những giây phút lằn ranh giữa sự sống và cái chết,… rồi cần mẫn, lặng lẽ giữ gìn những đồ đạc, kỷ vật để trao lại cho gia đình bệnh nhân khi họ ra đi mà không có người thân bên cạnh… Đó là mạch nguồn, là ánh sáng của lương tri, của lòng nhân ái, của đạo đức, của trái tim đôn hậu.
Đại dịch COVID-19 đã thách thức và làm bộc lộ nhiều hạn chế với tất cả hệ thống y tế trên toàn cầu, kể cả ở những nước phát triển. Nhiều quốc gia đã rút ra những bài học và có kế hoạch xây dựng hệ thống y tế chống chọi với những sự cố bất ngờ trong đó có đại dịch. Những năm qua, ngành Y tế nước ta đã có sự phát triển toàn diện về nhiều mặt, chất lượng khám chữa bệnh, ứng dụng công nghệ, khoa học sáng tạo trong lĩnh vực y dược phát triển, một số lĩnh vực không thua kém gì các nước tiên tiến trên thế giới, được nhân dân tin tưởng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: Trần Minh)
Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã làm bộc lộ những bất cập đối với hệ thống y tế của nước ta. Cơ sở vật chất nhất là hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở còn hạn chế, nhất là nguồn nhân lực; chế độ đãi ngộ với bác sỹ, cán bộ, nhân viên y tế còn chưa tương xứng; lực lượng bác sĩ và nhân viên y tế, độ phủ ở cơ sở còn thiếu.
"Chúng ta còn nhiều việc phải làm để đáp ứng hơn nữa kỳ vọng của nhân dân. Nhân dân mong muốn các cơ sở khám chữa bệnh sạch sẽ hơn, văn minh hơn, tiện lợi hơn; giá cả khám chữa bệnh, thuốc chữa bệnh, sinh phẩm, vật tư y tế được quản lý tốt hơn, công khai minh bạch hơn; cơ chế, chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội phù hợp và hiệu quả hơn…", Thủ tướng nhấn mạnh.
Dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì thế, để giảm bớt vất vả cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế; đồng thời bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình và cộng đồng, Thủ tướng kêu gọi mỗi người dân cần nêu cao ý thức "mỗi người vì mọi người" trong việc chấp hành các quy định y tế, phòng chống dịch, tiêm chủng…
Thủ tướng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung cho Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, chú trọng bảo vệ những người dễ bị tổn thương, người có nguy cơ cao, người ở tuyến đầu; không để khủng hoảng y tế, quá tải hệ thống y tế; tăng cường quản lý bệnh nhân từ sớm, từ xa, từ cơ sở, nhất là bệnh nhân tại nhà.
Bộ Y tế và các địa phương triển khai thần tốc hơn nữa tiêm chủng vắc-xin Covid-19, bảo đảm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả; tập trung nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4, khẩn trương nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến 12 tuổi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số; thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng kịch bản ứng phó dịch bệnh, bảo đảm chủ động về thuốc điều trị.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương và kêu gọi nhân dân cả nước tiếp tục tập trung cao độ, hiệu quả, với tinh thần trách nhiệm cao nhất cho Chiến dịch tiêm chủng, trong đó đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin cho trẻ em đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả để bảo vệ sức khỏe các cháu và giúp trẻ trở lại trường học an toàn.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hơn 2 năm qua là khoảng thời gian thử thách đầy cam go đối với ngành y tế và đội ngũ các thầy thuốc.
Bốn đợt bùng phát dịch với nhiều biến chủng nguy hiểm xảy ra trên quy mô, mức độ khác nhau, đặt ra thách thức to lớn đối hệ thống y tế. Trong cuộc chiến này, rất nhiều thầy thuốc đã trở thành tấm gương sáng và đầy tự hào của ngành y tế Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được các đợt bùng phát dịch trên toàn quốc, đưa cả nước sang giai đoạn mới "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Bộ trưởng Bộ Y tế gửi lời tri ân tới toàn thể các thầy thuốc, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế và người thân của họ với những đóng góp tận tâm, tận lực, không quản gian lao, vất vả để nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 nói riêng và trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung.
Thành Nam (T/h)