Thị trường chứng khoán tăng đột biến từ các nhà đầu tư

Dịch bệnh như một yếu tố xúc tác gia tăng đột biến nhà đầu tư mới. Tâm lý nhà đầu tư luôn tìm kiếm kênh đầu có khả năng sinh lời cao, nhanh chóng. Trong khi các kênh đầu tưkhác như gửi tiết kiệm lãi suất thấp; kênh BĐS sau sốt “nóng” đã hạ nhiệt, thị trường trầm lắng. Vì thế, nhà đầu tư cùng lúc “chuyển hướng dòng tiền” sang thị trường chứng khoán.

Thị trường “nghẽn lệnh”, giao dịch giật cục, “chậm”, “đơ”... là những khái niệm mô tả thị trường chứng khoán TP. HCM trong vài ngày qua. Nhận định chung của các chuyên gia tài chính về các biểu hiện này trên sàn giao dịch, xuất phát đầu tiên từ nhu cầu mua-bán hàng hóa trên thị trường chứng khoán tăng đột biến từ các nhà đầu tư.

TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài Chính, phân tích: "Hầu hết nhà đầu tư FO do quá trình theo dõi thị trường không đầy đủ, thiếu phân tích. Nhiều người nghe theo chuyên gia tư vấn môi giới chứng khoán, hoặc đi theo tâm lý đám đông. Điều này gây ách tắc trong điều chuyển các lệnh và mua bán của nhà đầu tư không như mong muốn. Nghẽn lệnh dẫn đến thiệt hại cho nhà đầu tư đặt mua hàng cụ thể. Trong trường hợp này, nhà đầu tư bình tĩnh khi đặt lệnh, thay vì chạy theo đám đông".

“Tâm lý đám đông” lại một lần nữa được các chuyên gia nhắc tới khi nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán hiện nay. Cơ hội đi liền rủi ro, với mong muốn “gia tăng” giá trị tài sản nhanh, trực tuyến đã hấp dẫn nhiều nhà đầu tư. Trong khi đó, đây là thị trường đầu tư đòi hỏi sự nhạy bén và kiến thức chuyên sâu.

TS. Đỗ Thái Hưng, TGĐ Công ty cổ phần đầu tư Finpross nhận xét, bản chất dòng tiền tăng trưởng “nóng” vào thị trường chứng khoán thiếu bền vững và đôi khi phản ánh không thực chất các giao dịch trên thị trường. Vì vậy, các nhà đầu tư mới tham gia thị trường (F0), cần lưu ý.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tháng 5 là khoảng thời gian thị trường chứng khoán ghi nhận "cơn sóng" xô đổ các kỷ lục sau 20 năm vận hành, và xu hướng tăng trưởng này vẫn tiếp diễn trong những ngày đầu tháng 6. Nhìn lại tháng 5, kỷ lục về lượng tài khoản lập mới bị xô đổ, kỷ lục về thanh khoản bị vượt qua hay kỷ lục mới về chỉ số VN-Index liên tục được thiết lập. Dù vấn đề kỹ thuật của hệ thống giao dịch chưa được giải quyết hoàn toàn nhưng dòng tiền vẫn ồ ạt đổ vào, khiến cho nhiều người bất ngờ.

Dòng tiền lớn đổ vào chứng khoán, trong khi tỷ lệ huy động vốn của các ngân hàng ở mức thấp khiến nhiều chuyên gia cho rằng một phần dòng tiền gửi tiết kiệm đã được chuyển qua kênh chứng khoán.

Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, tính tới hết quí I, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 2,93%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng 1,31% cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng tín dụng trong quí I cũng cao hơn nhiều so với mức tăng trung bình 2,78% trong quí I của 7 năm trở lại đây.

Ngược lại, tăng trưởng huy động vốn tính tới hết quí I mới chỉ đạt 0,54%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng và mức trung bình 2,28% trong quí I của 7 năm trở lại đây. Tín hiệu này cho thấy nếu dư nợ tín dụng và huy động vốn duy trì mức tăng trưởng như hiện tại, nhiều khả năng thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ không còn quá dư thừa trong năm 2021 như năm trước đó.

Còn theo nhận định của Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), dòng tiền vẫn đang đổ mạnh vào thị trường và tâm lý của nhà đầu tư đang rất hưng phấn. Tuy nhiên, SHS cho biết nếu xét trên góc nhìn kỹ thuật thì phiên tăng 3-6 có thể là một đỉnh cao trào.

 Thiên Trường

Bài liên quan

Cùng chuyên mục