Nguồn cung các mặt hàng nông sản, thực phẩm trong nước hiện nay khá dồi dào, nhu cầu không cao, nên giá các mặt hàng này sẽ không có sự tăng giá đột biến trong những tháng tới.
Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước tháng 03/2023, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, nhìn chung, hầu hết giá hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới trong tháng 3 có xu hướng tăng, giảm đan xen so với tháng 2.
Thị trường trong nước ổn định, không có sự tăng giá đột biến.
Tại thị trường xăng, dầu trong nước, sau khi khắc phục sự cố kỹ thuật tại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn xảy ra vào cuối tháng 12/2022, nhà máy đã vận hành trở lại với công suất tối đa để đáp ứng nhu cầu thị trường. Do tác động của giá thế giới, giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen trong quý I.
Đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, thời gian qua, các thương nhân đầu mối vẫn thực hiện việc nhập khẩu nguồn cung xăng dầu theo kế hoạch phân giao. Do đó, nguồn cung xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay vẫn luôn được bảo đảm.
Về lương thực, Bộ Công Thương cho biết, từ đầu năm đến nay, giá một số hàng hóa nhóm lương thực, thực phẩm giảm nhẹ nhờ nguồn cung dồi dào. Một số mặt hàng có giá ổn định như đường, muối, phân bón, thức ăn chăn nuôi.
Tính chung trong quý I, thị trường hàng hóa tương đối ổn định. Nhu cầu hàng hóa thiết yếu tập trung cao trong tháng 1 do chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Quý Mão, sau đó giảm trong tháng 2 và dần khôi phục lại trong tháng 3.
Sang quý 2, Vụ Thị trường trong nước nhận định: Nguồn cung các mặt hàng nông sản, thực phẩm trong nước hiện nay khá dồi dào, nhu cầu không cao, nên giá các mặt hàng này sẽ tương đối ổn định.
"Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự phối hợp linh hoạt, chặt chẽ trong công tác điều hành của các bộ, ngành, thị trường sẽ không có hiện tượng tăng giá đột biến", Vụ Thị trường trong nước cho hay.
Việt Anh