Hiện nay, các cơ sở kinh doanh bánh trung thu trên thị trường chủ yếu ở quy mô gia đình. Tại một số cơ sở kinh doanh diễn ra tình trạng nguyên liệu làm vỏ bánh, nhân bánh lại được nhập từ những nguồn trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Điều này dẫn tới việc hàng nghìn chiếc bánh trung thu không đảm bảo chất lượng này vẫn được đưa ra thị trường mỗi ngày.
Bánh trung thu là sản phẩm vô cùng quen thuộc đối với nhiều gia đình tại Việt Nam. Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới đến thời điểm Rằm tháng 8 (Tết Trung thu) nhưng thị trường bánh trung thu đã bắt đầu nhộn nhịp. Khác với những năm trở về trước, thị trường bánh trung thu thời gian gần đây đã trở nên sôi động hơn, thu hút sự chú ý của nhiều người tiêu dùng.
Nguyên nhân của sự bùng nổ nhu cầu xuất phát từ sự xuất hiện của đa dạng các sản phẩm bánh trung thu hơn so với trước. Trong đó, có mặt hàng bánh trung thu handmade (bánh trung tự làm, thủ công). Mặt hàng này đang có sức tiêu thụ lớn tại thị trường và mang lại khoản lợi nhuận vô cùng lớn. Bánh trung thu hanmade chủ yếu được đăng bán qua mạng xã hội Facebook, Instagram, Zalo và thậm chí là trên sàn thương mại điện tử với những lời quảng cáo mật ngọt như "bánh nhà tự làm", "không chất bảo quản", "hương vị tự nhiên"...
Sản phẩm bánh trung thu handmade cũng là mặt hàng rất được ưa chuộng hiện nay. Bởi theo tâm lý của người dùng, sản phẩm "cây nhà lá vườn" sẽ có độ tin cậy cao về chất lượng. Do đó, mặt hàng này được coi như là sự lựa chọn ưu tiên hàng đầu sau bánh trung thu truyền thống.
Tuy nhiên, có một điều đáng lo ngại là trên thị trường bánh trung thu handmade hiện nay, với nhiều sản phẩm được bán trôi nổi trên mạng xã hội, người tiêu dùng khó có thể tìm được thông tin về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Bởi không chỉ phụ thuộc vào những lời quảng cáo hay niềm tin, chất lượng sản phẩm bánh trung thu hanmade phụ thuộc vào những nguyên liệu do nhà sản xuất/cá nhân lựa chọn để làm nên loại bánh này.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Chuyên gia về Công nghệ Thực phẩm) khuyến cáo người tiêu dùng phải rất thận trọng khi trên thị trường có quá nhiều sản phẩm bánh trung thu trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cá nhân ông chia sẻ, mùa trung thu gia đình ông có thể không ăn bánh chứ tuyệt đối không mua những chiếc bánh với giá 2.000 - 5.000 đồng vì không thể biết được nguy cơ bánh không rõ xuất xứ mang lại.
“Khi mua bất kể loại hàng hóa nào, đặc biệt là thực phẩm ăn trực tiếp như bánh Trung Thu thì quan trọng nhất là nhãn mác và thành phần sản phẩm. Nếu nhà sản xuất không đưa các thông tin đó lên bao bì sản phẩm thì tuyệt đối không mua, bởi ăn những sản phẩm như vậy có nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Chúng ta không biết trong chiếc bánh đó có những gì, được làm như thế nào, có an toàn không?", PGS Thịnh nói.
Bánh trung thu handmade được rao bán công khai trên các trang mạng điện tử với các mức giá khác nhau mà không rõ nguồn gốc của các nguyên liệu
Tại Hà Nội, thời điểm chưa bị hạn chế đi lại bởi dịch COVID-19, hoạt động buôn bán các mặt hàng nguyên liệu phục vụ cho việc làm bánh trung thu diễn ra rất sôi nổi. Theo phản ánh của báo chí, tại một cơ sở kinh doanh trên phố Nguyễn Khuyến, có số lượng lớn nhân bánh được cấp đông. Thậm chí nhiều loại nguyên liệu còn được lưu cữu nhiêu năm đã bị biến dạng bao bì. Những túi nguyên liệu này đã không còn thông tin nơi xuất xứ cũng như hạn sử dụng và nhãn mác. Cơ sở này có đa dạng các loại nhân bánh được giới trẻ ưa thích như tiramisu, trà xanh,v.v....
Phố Hàng Buồm cũng được biết đến là một trong những địa chỉ bán nguyên liệu làm bánh trung thu. Tại đây có đầy đủ cả các nguyên liệu từ nhân bánh, bột vỏ bánh, hương liệu, dầu bóng... Ngoài ra còn có các loại nhân bánh được tiêu thụ nhiều như đậu xanh, khoai môn, đậu đỏ, nhân trà xanh...được đóng sẵn trong túi nilông và bán theo cân. Trên thị trường, đậu xanh bóc vỏ đã có giá khoảng 50.000 đồng/kg thế nhưng nhân đậu xanh để làm bánh Trung thu được bán tại đây lại chỉ có giá hơn 60.000 đồng/kg. Đối với mặt hàng nhân bánh hạt sen có giá 130.000 đồng 2kg, trong đó, hạt sen khô đã có giá lên đến 100.000 đồng/kg.
Người tiêu dùng mua bánh trung thu handmade nhưng lại không biết những chiếc bánh giá rẻ ấy có tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm hay không
Cùng với các loại nhân, các loại hương liệu làm bánh dẻo, bánh nướng cũng được các chủ hàng đựng sẵn trong những chiếc can đặt ngay dưới nền vỉa hè. Những chai hương liệu này đều do các quầy tự pha chế. Một lít hương vỏ bánh nướng được bán với giá 450.000 đồng có thể làm hàng trăm chiếc bánh. Muốn có hương bưởi truyền thống trong vỏ bánh dẻo thì có ngay từ chất hương bưởi…
Chưa dừng lại ở đó, Chợ Đồng Xuân, Hà Nội, tại các quầy đồ khô, những túi hạt dưa bóc vỏ, vừng, lạp xưởng, mứt bí, mứt hạt sen… là những mặt hàng bán khá chạy do phục vụ nhu cầu làm bánh trung thu cung cấp cho thị trường. Tất cả những loại nguyên liệu này đều không có bất kỳ nhãn mác chứng minh nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất và hạn sử dụng.
Theo cảnh báo từ các chuyên gia thực phẩm, hiện có một số loại nguyên liệu, nhân bánh làm sẵn đang được bán ở các khu chợ, cửa hàng bánh không được kiểm soát chặt về chất lượng. Đây cũng chính là vấn đề đáng lo ngại cho người tiêu dùng bởi các loại nguyên liệu này thường có kèm theo các chất phụ gia, phẩm màu, chất bảo quản. Nếu sử dụng quá liều lượng có thể gây ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, đau bụng... nguy hiểm tới sức khỏe người dùng.
Về vấn đề này, TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, người tiêu dùng nên chọn mua bánh trung thu bảo đảm an toàn thực phẩm theo những tiêu chí như bánh phải có nguồn gốc rõ ràng (tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, hướng dẫn sử dụng, bảo quản...). Bánh phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Bánh được bày bán ở nơi hợp vệ sinh, có đủ trang, thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
Thiên Trường