Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 tăng 20%

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 ước đạt 544,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, do tháng 1 trùng với Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng cao nên hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra khá sôi động và có mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1/2023 ước đạt 435,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, hàng may mặc tăng 27%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 23,8%; lương thực, thực phẩm tăng 17,9%; phương tiện đi lại tăng 14,8%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 7,2%.

Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 20%.Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 20%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 1/2023 ước đạt 56 nghìn tỷ đồng, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có tốc độ tăng cao là Đà Nẵng tăng 83,6%; Kiên Giang tăng 47,4%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 43,4%; Hà Nội tăng 32,4%; Quảng Ninh tăng 29,8%; Thừa Thiên - Huế tăng 27,4%.

Doanh thu du lịch lữ hành tháng 1/2023 ước đạt 2,2 nghìn tỷ đồng, tăng 113,4% so với cùng kỳ năm trước, một số địa phương tăng mạnh: Hải Phòng tăng 541,5%; Đà Nẵng tăng 387,1%; Tiền Giang tăng 380,2%; Lào Cai tăng 196,3%; Hà Nội tăng 113,8%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 98,7%.

Doanh thu dịch vụ khác tháng 1/2023 ước đạt 51,2 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có tốc độ tăng cao: Đà Nẵng tăng 65,3%; Đồng Nai tăng 32,9%; Khánh Hòa tăng 31,4%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 20,9%; Hà Nội tăng 12,6%; Cần Thơ tăng 10,1%; Hải Phòng tăng 6,5%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 9,8%.

Theo Tổng cục Thống kê, các mặt hàng phục vụ Tết năm nay khá đa dạng, phong phú; nguồn cung dồi dào (tại các siêu thị, trung tâm thương mại, nguồn hàng được chuẩn bị tăng lên 20 - 30% so với ngày thường; trong đó, hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ khá lớn được nhiều người lựa chọn do giá cả phù hợp, hình thức đa dạng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng).

Cùng với đó, sức mua của người dân trong dịp Tết tăng khoảng 8-10% so với tháng thường và tăng tương đương so với dịp Tết năm trước, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và trong dịp Tết.

Mặt bằng giá các mặt hàng phục vụ Tết nhìn chung tương đối ổn định, giá nhiều mặt hàng ở mức tương đương hoặc thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, chỉ có một số mặt hàng thực phẩm tươi sống, thủy hải sản, rau xanh, bánh kẹo, đồ uống... trong những ngày cận Tết tăng nhẹ so với với ngày thường (khoảng 5 - 7%) do nhu cầu người dân tăng cao.

Hồng Anh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục