Trung tâm đăng kiểm “như nấm mọc sau mưa”, nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh

Theo Bộ GTVT, việc số lượng đơn vị đăng kiểm vượt quá nhu cầu đăng kiểm ở một số địa phương có nguy cơ dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị, làm ảnh hưởng đến chất lượng đăng kiểm phương tiện.

Trước năm 2019, hầu hết các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đều là đơn vị sự nghiệp Nhà nước, chỉ một số đơn vị được thí điểm đầu tư, hoạt động theo mô hình xã hội hóa. Tuy nhiên, từ năm 2019 trở về sau, với việc quy định về phát triển trung tâm đăng kiểm theo quy hoạch vùng, địa phương được gỡ bỏ, các DN bắt đầu ồ ạt đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo Bộ GTVT, từ năm 2019, khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, đã bỏ quy hoạch mạng lưới trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ trên cả nước. Thay vào đó, các trung tâm đăng kiểm thành lập mới chỉ cần đáp ứng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Từ đó, số lượng trung tâm đăng kiểm mới gia tăng nhanh chóng, đặc biệt với các trung tâm đăng kiểm do DN và cá nhân đầu tư.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

“Việc số lượng đơn vị đăng kiểm vượt quá nhu cầu đăng kiểm ở một số địa phương có nguy cơ dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị, làm ảnh hưởng đến chất lượng đăng kiểm phương tiện”, Bộ GTVT nhận định.

Trên cơ sở này, Bộ GTVT cho biết, thời gian tới sẽ đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị định 139/2018/NĐ-CP trên cơ sở đó tổng hợp báo cáo Chính phủ những nội dung cần xem xét điều chỉnh (nếu có) nhằm tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực đăng kiểm phương tiện giao thông đường bộ bao gồm cả việc xem xét báo cáo Quốc hội bổ sung quy hoạch tổng thể các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới vào Luật Quy hoạch trong trường hợp cần thiết.

Trước đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 92/BDN ngày 06/4/2021, nội dung kiến nghị: "Đề nghị sửa đổi Nghị định 139/2018/NĐ-CP bổ sung quy hoạch mạng lưới các trung tâm đăng kiểm cho phù hợp với từng địa phương”.

Thiên Trường

Cùng chuyên mục