Chuyên gia của Công ty Chứng khoán ASEANSC lưu ý nhà đầu tư, áp lực cung không quá lớn, do đó, nhà đầu tư nên dừng mua, tạm thời nắm giữ chú ý vùng quản trị rủi ro là ngưỡng 1.220 điểm.
Chuyên gia của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC) đánh giá, thị trường tiếp tục quán tính giảm điểm sau diễn biến giằng co quanh mốc trong phiên sáng. Áp lực cung một lần nữa gia tăng khi nhóm Ngân hàng là nhóm cổ phiếu giữ nhịp trong tuần trước cũng bắt đầu chuyển biến tiêu cực.Tín hiệu bán chéo là có khi hàng loạt cổ phiếu thuộc các nhóm tích cực trong phiên 23/7 như: Công nghệ, Vận tải biển cũng chịu diễn biến tiêu cực vào cuối phiên.
ASEANSC lưu ý nhà đầu tư, áp lực cung không quá lớn nhưng phía cầu không đủ khiến thị trường chính thức mất đi trendline tăng kể từ cuối 2023. Do đó, nhà đầu tư nên dừng mua, tạm thời nắm giữ chú ý vùng quản trị rủi ro là ngưỡng 1.220 điểm.
Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) phân tích, trong ngắn hạn, VN-Index xu hướng trở nên tiêu cực hơn khi VN-Index không giữ được vùng hỗ trợ quan trọng quanh 1.250 điểm, chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá 1.200 điểm - 1.220 điểm tương ứng vùng giá trung bình 200 phiên cũng như vùng giá cao nhất năm 2018, đây cũng là vùng giá trung bình trong 5 năm qua của VN-Index. Kỳ vọng với áp lực bán hạ nhiệt, áp lực giải chấp giảm thì VN-Index vẫn sẽ phục hồi lại vùng giá 1.250 điểm.
Trong ngắn hạn, thị trường trở nên kém tích cực, bi quan dưới áp lực giảm mạnh tỉ lệ dư nợ margin, đồng thời nhiều vị thế giải ngân ở vùng giá 1.250 điểm, là vùng giá thấp nhất tháng 6,7/2024 đều đang phạm mức dừng lỗ, tạo áp lực bán cắt lỗ ngắn hạn. Do đó, ngắn hạn đối với các vị thế đã giải ngân ở vùng giá quanh 1.250 điểm, tỉ trọng ở mức cao, xem xét bán giảm khi hồi phục, duy trì tỉ trọng dưới mức trung bình. Nhà đầu tư trung - dài hạn nắm giữ danh mục hiện tại, các vị thế xem xét gia tăng tỉ trọng mới cần đánh giá cẩn trọng dựa trên kết quả kinh doanh quí II và triển vọng cuối năm của các doanh nghiệp đầu ngành.
Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) nhận định, thị trường có thể xuất hiện nhịp hồi để kiểm định lại mức 1.240 điểm của chỉ số VN-Index. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng, mặc dù vậy nhiều cổ phiếu đã giảm về vùng quá bán cho nên thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật. Chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm mạnh cho thấy các nhà đầu tư đã bi quan hơn. Mức hỗ trợ gần nhất của chỉ số VN-Index là vùng 1.200 – 1.210 điểm.
Theo YSVN, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung hạ từ mức trung tính xuống giảm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể cơ cấu giảm tỷ trọng cổ phiếu và ưu tiên tiền mặt cao hơn. Đồng thời, các nhà đầu tư nên phòng thủ và không mua mới trong giai đoạn này.
Ngày 23/7, thanh khoản trên cả 2 sàn giảm so với phiên giao dịch trước đó khi khối lượng khớp lệnh -20,5% tại HOSE và -35,2% tại HNX.
Nhóm ngành tích cực nhất góp phần cho điểm số của thị trường phiên 23/7 là Công nghệ thông tin với trụ FPT (+1,13%), ITD tăng kịch biên độ (+6,81%)... Nhóm ngành Ô tô và Phụ tùng, tiêu biểu với HTL (+5,76%), SRC (+5,81%), CSM (+1,74%)... Nhóm ngành Y tế cũng giao dịch trong sắc xanh với nhiều mã như: DHG (+0,27%), JVC (+0,58%), SPM (+0,89%)...
X.Hải (t/h)