Những chiếc iPhone khóa mạng (lock) có một SIM được người dùng tại Việt Nam thay ổ và khay SIM để nhận cùng lúc 2 sóng thuê bao di động.
Bộ ba iPhone XR, XS và XS Max ra mắt năm 2018 đánh dấu lần đầu tiên Apple giới thiệu những mẫu điện thoại có thể hoạt động 2 SIM cùng lúc. Tuy nhiên, máy tại phần lớn các thị trường đều gồm một khe SIM vật lý và một eSIM (SIM điện tử gắn trên thiết bị). Chỉ riêng Hồng Kông và Trung Quốc có máy iPhone sử dụng 2 khe SIM vật lý.
Giống với phần còn lại của thế giới, các thế hệ iPhone từ XR, XS, XS Max tại Việt Nam trở lại đây đều sử dụng một SIM vật lý và một eSIM. Điều này khá bất tiện khi thói quen sử dụng điện thoại của người Việt là chọn mẫu có 2 SIM vật lý để tiện thay đổi, cũng như dự phòng các trường hợp cấp bách như hỏng máy, lỗi SIM thì có thể thay thế hoặc khắc phục lập tức, không phải phụ thuộc vào nhà mạng cũng như các đại lý.
Mới đây, một số thợ sửa và cơ sở kinh doanh iPhone xách tay tại Việt Nam đã nhập về những bộ ổ và khay 2 SIM (vốn chỉ dành cho vài thị trường đặc biệt) để “độ” vào iPhone khiến các máy này từ loại 1 SIM vật lý thành 2 SIM. Theo một người kinh doanh sản phẩm này tại Hà Nội, ổ SIM kép sẽ thay thế cho ổ đơn nằm sẵn trong máy mà không gây ảnh hưởng tới thiết bị, đồng thời giúp máy chứa được 2 SIM. “Cả ổ và khay SIM kép này đều là loại sử dụng trong các mẫu iPhone 2 SIM vật lý nên người dùng hoàn toàn yên tâm về chất lượng sóng cũng như ổn định khi kết nối. Đây chỉ đơn giản là thao tác thay linh kiện, không phải can thiệp để ‘cưỡng ép’ máy”, anh khẳng định.
Người này giải thích, eSIM mặc định trên máy sẽ nhận thông tin từ SIM vật lý thứ 2, do vậy sẽ không có chuyện 1 máy chạy 2 SIM vật lý và 1 eSIM (tổng là 3 thuê bao). Anh cũng cho biết thêm cách làm này hiện chỉ áp dụng với iPhone XR và iPhone 11 do ổ SIM của 2 model này không gắn liền trên main (mạch chủ) của thiết bị, việc thay thế dễ dàng, không cần tới thao tác đục main hay hàn xì nên không ảnh hưởng tới các linh kiện khác.
Ổ SIM của iPhone XR và iPhone 11 có thể tháo khỏi bo mạch dễ dàng mà không ảnh hưởng tới linh kiện khác
“Chỉ cần vài công cụ đơn giản để tháo nắp máy, một người dùng bình thường cũng có thể tự thay ổ SIM tại nhà. Sau khi thay và lắp máy trở lại, thiết bị sẽ hoạt động với 2 sóng online cùng lúc như máy phiên bản Hồng Kông hay Trung Quốc. Bên trong máy Apple đã thiết kế đủ không gian cho ổ kép, vì vậy không cần lo việc lắp không vừa”, thợ chuyên sửa iPhone giải thích.
Cách làm này hiện chủ yếu áp dụng cho các chủ máy iPhone khóa mạng (lock) xách tay từ nước ngoài về có nhu cầu dùng 2 SIM trên máy. Các máy bản quốc tế hay phân phối chính hãng Việt Nam không cần “độ” thêm mà được khuyên dùng một SIM vật lý và eSIM có sẵn trên máy. Dù vậy, nếu chủ thiết bị không thích eSIM thì vẫn có thể thực hiện quá trình “độ” theo yêu cầu. Chi phí cho một bộ ổ và khay SIM kép trên iPhone chỉ dưới 200.000 đồng nếu mua về tự thay. Việc nhờ thợ can thiệp sẽ tốn thêm chi phí tùy chính sách bên bán, lấy máy ngay sau ít phút.
Tuy nhiên, cách làm này được những người trong nghề khuyến cáo áp dụng cho máy đã “bung” (mở). Những thiết bị còn nguyên bản, nguyên áp suất và khả năng kháng nước không nên làm vì việc tháo máy sẽ khiến thiết bị mất khả năng kháng nước theo thiết kế.
Ngoài việc “độ” thêm SIM vật lý, người dùng iPhone lock tại Việt Nam hiện tại cũng có thể vui mừng khi máy của họ đã có thể sử dụng thêm eSIM nhờ một số thủ thuật can thiệp ở phần mềm. Hồi đầu năm 2021, một người dùng tại Việt Nam đã tuyên bố là người đầu tiên khiến một chiếc iPhone khóa mạng nước ngoài có thể hoạt động thêm eSIM với sóng của nhà mạng Viettel, MobiFone và VinaPhone. Trước đó, các mẫu iPhone lock đều chỉ hoạt động được SIM vật lý.
Chi phí thêm eSIM lên máy iPhone lock dao động 350.000 tới 500.000 đồng, quá trình làm chỉ tốn vài phút và có thể làm trực tuyến, không cần mang máy tới nơi làm dịch vụ. Ưu điểm của cách làm này là không giới hạn model, miễn là máy có sẵn eSIM. Như vậy, toàn bộ máy từ iPhone XR tới iPhone 12 Pro Max bản lock đều có thể thêm eSIM. Đặc biệt, cách này cũng hiệu quả với một số mẫu iPhone quốc tế được phân phối ở những nhà bán lẻ nước ngoài, khi đưa về Việt Nam thì không tương thích (không thể thêm) thông tin nhà mạng trong nước vào eSIM bằng cách thông thường.
Anh Quân