Xuất khẩu cà phê lập kỷ lục, lần đầu tiên vượt mốc 5 tỷ USD

Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, niên vụ 2023 - 2024 (từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024), Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,46 triệu tấn cà phê với giá trị 5,43 tỷ USD. Đây là kim ngạch xuất khẩu trong một niên vụ cà phê cao nhất từ trước đến nay và cũng là lần đầu tiên vượt mốc 5 tỷ USD.

Dù lượng cà phê xuất khẩu giảm 12,1% so với niên vụ 2022 - 2023, nhưng kim ngạch lại tăng trên 33%. Giá xuất khẩu tăng cao là động lực chính để xuất khẩu cà phê Việt Nam vượt mốc nói trên. Tính chung trong cả niên vụ 2023 - 2024, giá xuất khẩu cà phê đạt bình quân 3.673 USD/tấn, cao hơn gần 50% so với niên vụ 2022 - 2023. Với mức tăng như vậy, cà phê hiện là nông sản có giá tăng mạnh nhất trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15/10, Việt Nam đã xuất khẩu 1,13 triệu tấn cà phê với kim ngạch thu về 4,44 tỷ USD, giảm 11,1% về lượng nhưng tăng 39,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Về thị trường, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là khu vực thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong niên vụ 2023 - 2024, với trị giá 2 tỷ USD, tăng 41% so với niên vụ trước, chiếm 38% về lượng và 37% về kim ngạch trong xuất khẩu cà phê của Việt Nam.

Đức, Italy và Tây Ban Nha là ba thị trường đơn lẻ lớn nhất của cà phê Việt Nam trong niên vụ vừa qua. Một số thị trường lớn khác cũng tăng mạnh về kim ngạch trong niên vụ 2023 - 2024 dù giảm về lượng là Nhật Bản (tăng 38%) và Nga (tăng 20%).

Xuất khẩu cà phê lập kỷ lục lần đầu tiên vượt mốc 5 tỷ USD
Xuất khẩu cà phê lập kỷ lục lần đầu tiên vượt mốc 5 tỷ USD

Nguồn cung giảm trong niên vụ 2023 - 2024 không chỉ làm giá cà phê tăng cao mà còn ảnh hưởng tới lượng cà phê tồn kho chuyển sang đầu niên vụ 2024 - 2025. Thông tin từ một số thương nhân lượng cà phê tồn kho để chuyển sang vụ mới 2024 - 2025 gần như không có.

Do đó, giá cà phê đầu niên vụ 2024 - 2025 vẫn đang tiếp tục đứng ở mức cao. Từ đầu tháng 10 đến nay, giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên luôn ở mức trên 110.000 đồng/kg, cao gần gấp 2 lần giá cà phê đầu niên vụ 2023 - 2024.

Các chuyên gia dự báo sản lượng càphê của Việt Nam vài năm tới sẽ tăng nhiều. Trong hai năm gần đây sự đầu tư chăm sóc vườn cây của người nông dân được tốt hơn do giá càphê tăng cao.

Hơn nữa, Đề án tái canh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ngân hàng Thế giới (giai đoạn 2014-2022) đã có hiệu quả tích cực, năng suất sản lượng vườn cây tăng cao.

Tại nhiều tỉnh Tây Nguyên, diện tích trồng mới liên tục tăng nhưng chưa thống kê được, nếu không khuyến cáo kịp thời sẽ dẫn đến khủng hoảng thừa càphê trong những năm tới.

Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia thị trường càphê, nhận định: Năm 2024, thị trường càphê Việt Nam và thế giới chứng kiến cơn bão giá chưa từng có tiền lệ, giúp nông dân thắng lớn nhưng cũng không ít doanh nghiệp "sa cơ" và tổn thất không nhỏ.

Thị trường thế giới và trong nước được dự báo vẫn còn nhiều biến động, đòi hỏi ngành càphê sớm điều chỉnh để đi đúng quỹ đạo, duy trì tăng trưởng một cách bền vững. Đây là nội dung được các đại biểu, doanh nghiệp nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quang Bình cho rằng nhiệm vụ của ngành càphê Việt Nam trước mắt là sớm giải quyết các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng, lấy lại uy tín từ đối tác xuất khẩu.

Từ phía người nông dân, cần ưu tiên nâng cao chất lượng càphê, tránh mở rộng diện tích ồ ạt khiến cung vượt cầu.

Doanh nghiệp bên cạnh thu mua, xuất thô tích cực đầu tư vào chế biến, chế biến sâu các sản phẩm giá trị gia tăng để đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn./.

Theo nhận định của doanh nghiệp, giá cà phê Việt Nam niên vụ 2024 - 2025 được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao do sản lượng giảm. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ cà phê ở Việt Nam cũng như trên thế giới đang tiếp tục tăng lên. Giá cà phê sẽ khó xuống dưới 100.000 đồng/kg ở niên vụ mới này.

Mặc dù vậy các chuyên gia cho rằng, dù cà phê trong nước có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cà phê Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức về nguồn vốn, khả năng giữ nguồn hàng, việc đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu, khả năng quản trị rủi ro… Dễ nhận ra nhất là trở ngại về dòng tiền cho sản xuất.

Hà Trần

Cùng chuyên mục