Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan đã giảm 5 USD, gạo 25% tấm của Pakistan cũng được điều chỉnh giảm 20 USD/tấn. Trong khi các nguồn cung lương thực xu hướng giảm giá thì gạo của Việt Nam lại ngược chiều bật tăng thêm 5 USD/tấn với gạo 5% tấm cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan.
Ngày 10/10, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan đã giảm 5 USD, còn 578-582 USD/tấn. Gạo 25% tấm của nước này cũng giảm còn 530-534 USD/tấn (giảm 8 USD so với cuối tuần trước).
Trong khi đó, gạo 25% tấm của Pakistan cũng được điều chỉnh giảm 20 USD/tấn, xuống còn 468-472 USD/tấn. Riêng gạo 5% tấm vẫn giữ ổn định ở mức như cuối tuần vừa qua với giá 548-552 USD/tấn.
Ở chiều ngược lại, gạo của Việt Nam lại bật tăng thêm 5 USD/tấn với gạo 5% tấm. Sau khi điều chỉnh tăng, gạo này của Việt Nam có giá 618-622 USD/tấn và bỏ xa gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan 40 USD/tấn và Pakistan 70 USD/tấn. Lý giải về nguyên nhân, một số chuyên gia cho biết: Gạo Việt tăng theo nhu cầu thị trường thế giới, trong khi gạo Thái Lan giảm do đồng tiền của nước này đang bị mất giá so với USD. Bên cạnh đó là yếu tố lãi suất của Thái Lan cũng thấp hơn phân nửa so với USD. Thị trường tài chính bất lợi kéo giá cả hàng hóa đi xuống. Thêm vào đó nhu cầu gạo của thị trường thế giới hiện rất lớn.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngoài Philippines có nhu cầu gạo lớn thì trong năm nay Indonesia cần nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn gạo hay quốc gia khác là Malaysia cũng cần khoảng 1,5 triệu tấn...
Về nguồn hàng nhập khẩu của các nước này đến từ Việt Nam, Thái Lan, Mymanmar do quốc gia xuất khẩu hàng đầu là Ấn Độ đã dừng xuất khẩu gạo trắng vào cuối tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, trong khoảng 1 tháng qua Philippines tạm dừng không mua gạo do nước này áp giá trần nội địa, dẫn tới thị trường kém sôi động. Gần đây khi Philippines dỡ bỏ giá trần đã tác động tích cực lên thị trường, đẩy giá gạo của Việt Nam tăng lên trong mấy ngày qua.
“Chúng tôi cho rằng giá gạo sẽ có điều chỉnh thêm nhưng không lên quá cao, có thể đứng ở mức 630-650 USD/tấn và không nóng như hồi tháng 8 vừa qua”- ông Nam dự báo.
Cùng với Philippines, Indonesia và Malaysia đang là những nhà nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới và khách hàng lớn của Việt Nam. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo Philippines sẽ cùng với Trung Quốc trở thành 2 nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm nay với sản lượng khoảng 3,5 triệu tấn.
Được biết, từ đầu năm 2023, Indonesia đã lên kế hoạch nhập khẩu đến 2 triệu tấn gạo. Gần đây nhất, Indonesia thông báo mở thầu 500.000 tấn gạo và hồi tháng 9 mở thầu 300.000 tấn, để đối phó với bối cảnh giá mặt hàng chủ lực này tăng do hạn hán ảnh hưởng đến thu hoạch ở nhiều trung tâm sản xuất trên toàn quốc.
Thông tin từ báo chí Malaysia, Bộ Trưởng Nông Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia để bàn về kế hoạch thương mại gạo. Theo đó, Campuchia chuẩn bị bắt đầu xuất khẩu gạo sang Malaysia và cũng gửi lời mời Malaysia đầu tư vào nông nghiệp nhằm tạo cơ hội xuất khẩu gạo từ Campuchia sang Malaysia.
Minh An (T/h)