Cẩn trọng với phụ gia trôi nổi không rõ nguồn gốc

Phụ gia thực phẩm là các chất được bổ sung thêm vào thực phẩm để bảo quản hay cải thiện hương vị và bề ngoài của thực phẩm. Tuy nhiên, việc sử dụng phụ gia thực phẩm sai cách, quá liều lượng hoặc sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.

Hiện nay, thị trường hương liệu, phụ gia thực phẩm rất đa dạng về chủng loại với các dạng bột, viên hoặc nước. Hầu khắp mọi cửa hàng bán nguyên liệu chế biến thực phẩm tại các chợ lớn, nhỏ đều bày bán các loại phụ gia, gồm loại nhãn mác rõ ràng, cụ thể, lẫn hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Chỉ cần có nhu cầu, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua đủ loại phụ gia với nhiều giá thành khác nhau. Từ các loại hương để chế biến thực phẩm như giò, chả, xúc xích, nước mắm,… có giá khoảng 200.000 đồng/kg; bột nở, chất tạo độ dai, giòn chỉ từ 20.000 đồng/kg đến các loại hương liệu làm bánh như hương đậu xanh, lá dứa, sầu riêng… với giá 150.000 - 2600.000 đồng/kg. Cách pha chế cũng đơn giản, chỉ cần cho vài thìa rồi vào trộn đều với bột là được, không cần đong đếm.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng phụ gia thực phẩm ở Việt Nam rất lớn nhưng số sản phẩm được sản xuất trong nước mới chỉ chiếm số lượng khiêm tốn trong tổng lượng phụ gia thực phẩm tiêu thụ trên thị trường, đa số là hàng nhập khẩu. Trong số sản phẩm nhập khẩu, chỉ một số ít là hàng nhập khẩu chính ngạch, còn lại là nhập lậu. Việc nhập lậu làm cho thị trường Việt Nam xuất hiện hàng loạt chất phụ gia thực phẩm trôi nổi, không hóa đơn chứng từ, không được kiểm định chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm ở Việt Nam.

Đa dạng chủng loại phụ gia thực phẩm. Ảnh: Hà Nội MớiĐa dạng chủng loại phụ gia thực phẩm

Bên cạnh đó, rất nhiều trường hợp sử dụng phụ gia thực phẩm để làm giả thực phẩm như biến thịt trâu thành thịt bò hoặc thịt lợn thành thịt bò nhằm lừa dối người tiêu dùng. Nhiều nơi còn cho thêm chất sodium metalbisulfite - một loại phụ gia thực phẩm chỉ được sử dụng trong nhóm rau quả, tinh bột, không được phép dùng trong sản phẩm thịt, gây nguy hại cho người dùng.

Chưa kể, vì lợi nhuận, nhiều đối tượng kinh doanh thậm chí đem hạt ngô rang đen rồi xay, cho thêm màu caramel, hương cà phê, chất tạo đắng, chất tạo độ dính, chất chống mốc, chất chống vón... để tạo ra sản phẩm cà phê hấp dẫn mà không cần có hạt cà phê...

Theo chị Đỗ Thị Thoa, một người bán hàng tại chợ Hà Đông cho biết,  để sản xuất giò, chả 100% nguyên chất thì người sản xuất sẽ sử dụng thịt tươi mới để tạo độ dai, thơm đặc trưng cho sản phẩm. Nếu làm đúng theo quy trình, cộng thêm chi phí thì 1 kg giò, chả thành phẩm từ 150.000 đồng trở lên mới có lời. Tuy nhiên, để tăng lợi nhuận, không ít cơ sở sử dụng hàn the và các nguyên liệu trôi nổi, rẻ tiền.

Không thể phủ nhận chất phụ gia thực phẩm có vai trò lớn trong chế biến thực phẩm bởi nó đã tạo được nhiều sản phẩm bắt mắt, hấp dẫn, phù hợp với sở thích và khẩu vị của người tiêu dùng, kéo dài thời gian sử dụng của thực phẩm... Nhưng hiện nay, tình trạng sử dụng chất phụ gia thực phẩm không đúng quy định vẫn còn khá phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cho người tiêu dùng.

Theo Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế (Codex Alimentarius Commission - CAC), phụ gia thực phẩm là chất có thể có hoặc không có giá trị dinh dưỡng, được bổ sung vào thực phẩm nhằm phục vụ chế biến, bao gói, bảo quản, vận chuyển thực phẩm hoặc cải thiện kết cấu, đặc tính kỹ thuật của thực phẩm đó.

Theo các chuyên gia y tế, nếu sử dụng đúng loại, đúng liều lượng, các phụ gia thực phẩm có tác dụng tích cực, tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp sở thích và khẩu vị của người tiêu dùng; giữ được chất lượng toàn vẹn của thực phẩm cho tới khi sử dụng; tạo sự dễ dàng trong sản xuất, chế biến và làm tăng giá trị thương phẩm; kéo dài thời gian sử dụng. Ngược lại, nếu sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, không đúng chủng loại, nhất là những phụ gia không được phép dùng trong thực phẩm sẽ gây hại cho sức khỏe như gây ngộ độc cấp tính nếu dùng quá liều cho phép; gây ngộ độc mạn tính khi dùng liều lượng nhỏ nhưng thường xuyên, liên tục.

Để đảm bảo an toàn khi sử dụng phụ gia thực phẩm, theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, các phụ gia thực phẩm trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải được tiến hành kiểm nghiệm chất lượng để làm thủ tục công bố tại Cục An toàn thực phẩm.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh phụ gia thực phẩm phải gửi hồ sơ xin công bố chất lượng phụ gia thực phẩm lên Cục để được phê duyệt. Phụ gia thực phẩm đảm bảo an toàn sẽ được Cục cấp giấy chứng nhận công bố chất lượng và được lưu hành tự do trên thị trường.

 Thành Nam

Bài liên quan

Cùng chuyên mục