Sản phẩm gạo lứt mang thương hiệu Vinatha vi phạm pháp luật quảng cáo?

Bộ đôi sản phẩm gồm bột, trà gạo lứt của thương hiệu Vinatha được quảng cáo có công dụng như giảm cân, tiêu mỡ, đẹp da... đều là trái quy định pháp luật.

Hiện trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm giảm cân được quảng bá rầm rộ với công dụng giảm cân, chữa bệnh... Trong đó, nhiều sản phẩm có công thức từ gạo lứt được nhiều người tìm đến nhất. Do đó, tổ chức kinh doanh đã lợi dụng quảng cáo “vô tội vạ” để lừa người tiêu dùng.

Một trong các thương hiệu nổi đình đám gồm bộ đôi “Bột gạo lứt Vinatha Plus và trà gạo lứt táo đỏ”, có cùng đơn vị phân phối, quảng cáo vi phạm pháp luật.

Cụ thể, trên website https://vinatha.com/, tổ chức kinh doanh “nổ”, bộ sản phẩm mang thương hiệu Vinatha là sản phẩm giảm cân tốt, an toàn cho sức khỏe, cung cấp dinh dưỡng cho các cơ quan trong cơ thể, tiêu mỡ và thải độc hiệu quả, giảm 5-6kg/2 tuần. Nếu sử dụng 2 sản phẩm trên thay thế toàn bộ bữa chính, phụ trong ngày, không ăn gì khác thì người dùng sẽ được thanh lọc hoàn toàn, ngủ ngon giấc, giảm stress, nâng cao sức đề kháng, sau 1 tuần có thể giảm tối thiểu 3-4kg.Sản phẩm giảm cân mang thương hiệu Vinatha có dấu hiệu vi phạm luật quảng cáo?Sản phẩm giảm cân mang thương hiệu Vinatha có dấu hiệu vi phạm luật quảng cáo?

Để nâng cao hiệu quả sản phẩm, người bán còn khẳng định đã có rất nhiều người sử dụng Vinatha không những đạt mục tiêu giảm 10, 20kg thậm chí 36kg. Cải thiện được căn bệnh đang gặp phải như: Cao huyết áp, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, rối loạn tiền đình, rối loạn thần kinh thực vật...

Đồng thời, khẳng định bộ đôi sản phẩm giảm cân Vinatha dùng được cho mọi lứa tuổi từ trẻ em, mẹ bầu, người đang cho con bú đều dùng tốt thậm chí còn bổ sung vi chất và lợi sữa cho bé mà không có bất cứ khuyến cáo nào. Không những vậy, bộ đôi giảm cân “thần thánh” này còn “nổ” có tới 90% người dùng sản phẩm đúng phương pháp giảm được 2kg/tuần và 8kg/tháng, thậm chí có người còn giảm nhiều hơn.

Số người dùng không giảm được cân thì tổ chức kinh doanh đổ lỗi: “5% do cơ địa lì hoặc ăn sai cách hiệu quả sẽ chậm hơn 1 chút (tối thiểu 4kg/tháng). Tỉ lệ cực ít sử dụng đúng cách mà vẫn chưa thấy thay đổi về cân nặng (do bị rối loạn chuyển hóa sau sinh hoặc dùng thuốc giảm cân khác có chứa một số thành phần cấm)”.

Người tiêu dùng cần thận trọng trước những quảng cáo có cánh.Người tiêu dùng cần thận trọng trước những quảng cáo có cánh

Như vậy, với một sản phẩm quảng cáo gần 100% người sử dụng đều giảm cân thành công và cam kết hoàn tiền 100% nếu khách hàng sử dụng không hài lòng về sản phẩm thì chắc chắn sẽ thu hút được nhiều người chi tiền mua dùng, đồng nghĩa với doanh thu, lợi ích của tổ chức kinh doanh là rất lớn. Tuy nhiên, thực tế bộ đôi sản phẩm bột gạo lứt, trà gạo lứt không phải là thuốc nhưng lại đang quảng cáo có công dụng giảm cân như 1 loại thuốc điều trị, không có khuyến cáo cho người dùng là không đúng và trái với quy định pháp luật.

Theo tìm hiểu của PV, sản phẩm “Bột gạo lứt Vinatha Plus và Trà gạo lứt” được sản xuất tại Phú An, Thạch Thành, Thanh Hóa, văn phòng đại diện tại Khu đô thị Ciputra, Nam Thăng Long, Hà Nội.

Trao đổi với báo chí, TS. BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, các thực phẩm có trong chế độ ăn thực dưỡng không hề xấu. Ví dụ như ngũ cốc nguyên cám, rau củ, thực phẩm ít chế biến đều rất tốt và có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, cách áp dụng thực phẩm này trong chế độ ăn, hay nói cách khác là ăn thực dưỡng để kiểm soát hoặc chữa bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường là hoàn toàn sai lầm.

Theo đó, dù là người bệnh hay người khỏe mạnh chế độ ăn cũng phải đảm bảo đầy đủ 4 nhóm chất cần thiết (đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất). Đối với người có bệnh lý như tiểu đường, tim mạch, ung thư, trong quá trình thăm khám các bác sĩ sẽ tư vấn chế độ ăn phù hợp nhất. Ví dụ người mắc bệnh ung thư, nếu không cung cấp đủ năng lượng, chỉ ăn các thực phẩm như gạo lứt, muối mè, sữa hạt (thực dưỡng), cơ thể sẽ gầy sút, suy kiệt, không đủ sức khỏe chống chọi với bệnh tật cũng như áp dụng các phương pháp điều trị.

“Với bệnh nhân ung thư, thực dưỡng không những không có lợi, mà còn gây hại vì khi bổ sung dinh dưỡng kém, bệnh nhân sẽ không đủ sức điều trị, tăng nguy cơ biến chứng, nhiễm trùng…”, TS Sơn chia sẻ.

Ngoài dùng thực dưỡng chữa bệnh, nhiều người áp dụng thực dưỡng để giảm cân. Đây cũng là điều không nên, mà cách giảm cân khoa học được các tổ chức y khoa và dinh dưỡng khuyến cáo là áp dụng chế độ ăn hạn chế năng lượng ăn vào dựa trên chính chuyển hóa cơ bản của mỗi người.

Trong đó, việc cân bằng giữa các nhóm thực phẩm cung cấp năng lượng bao gồm đạm, chất béo và chất bột đường, rau xanh, hoa quả và sữa rất cần thiết vì sẽ giúp cơ thể không bị thiếu hụt quá nhiều vi chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, việc tăng cường tập thể dục phù hợp để tăng tiêu hao năng lượng cũng nên được chú trọng. Đây là cách giảm cân truyền thống, hiệu quả tuy chậm nhưng chắc chắn và bền vững.

Theo VietQ

Cùng chuyên mục