Từ đầu năm tới nay, Agribank đã triển khai 14 chương trình, sản phẩm tín dụng đối với khách hàng mới; Tăng quy mô chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản từ 3.000 tỷ lên 8.000 tỷ đồng. Đặc biệt, Agribank đã 4 lần giảm lãi suất cho vay. Hiện tại, lãi suất cho vay VND của Agribank thuộc nhóm thấp trên thị trường.
Agribank triển khai nhiều chương trình, sản phẩm tín dụng ưu đãi
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn cho biết: Xác định năm 2024 là một năm hành động vượt khó, bám sát chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, ngay từ đầu năm, toàn hệ thống Agribank đã nỗ lực, phát huy tối đa kết quả đã đạt được năm 2023, tập trung tối đa mọi nguồn lực chủ động, linh hoạt ứng phó với các diễn biến.
Trong điều kiện sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, Agribank đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Cụ thể, Agribank triển khai 14 chương trình, sản phẩm tín dụng đối với khách hàng mới trong đó có 9 chương trình đối với khách hàng cá nhân, 5 chương trình cho khách hàng doanh nghiệp; Tăng quy mô chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản từ 3.000 tỷ lên 8.000 tỷ đồng. Đặc biệt, Agribank đã 4 lần giảm lãi suất cho vay. Hiện tại, lãi suất cho vay VND của Agribank thuộc nhóm thấp trên thị trường.
Một số chương trình tín dụng ưu đãi theo chủ trương của Chính phủ, NHNN được Agribank triển khai rất tích cực, hiệu quả. Chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm, thủy sản, doanh số cho vay đạt 7.183 tỷ đồng với trên 5.000 lượt khách hàng được giải ngân. Đối với chương trình cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, Agribank cũng là ngân hàng giải ngân nhiều nhất. Cụ thể, đã phê duyệt 11 Dự án Nhà ở xã hội với tổng số tiền phê duyệt 3.023 tỷ đồng, doanh số giải ngân 689 tỷ, dư nợ cho vay 657 tỷ đồng; Dự kiến sẽ giải ngân 5 dự án trong thời gian tới với tổng số tiền phê duyệt 1.558 tỷ đồng. Hiện nay đang tiếp cận 12 dự án nhà ở xã hội khác với tổng số tiền đề xuất cấp tín dụng hơn 5.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn, hiện nay, Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực thi hành nhưng một số quy định không được kế thừa trong Luật các TCTD năm 2024, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ từ các cơ quan công an, chính quyền địa phương trong việc thực thi quyền thu, giữ tài sản đảm bảo.
Trong khi đó, do tác động tiêu cực kéo dài của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thu nhập của người dân đều giảm sút, khả năng trả nợ suy giảm, thực tế có tình trạng không hợp tác, chây ỳ, chống đối trong việc trả nợ và bàn giao tài sản bảo đảm, nợ xấu đang có chiều hướng gia tăng.
Do đó, Chủ tịch HĐTV đề nghị các bộ ngành, NHNN, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ các TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; trong đó, công tác tố tụng giải quyết vụ án tại Tòa án các cấp và thi hành án cần được giải quyết rút gọn, đẩy nhanh tiến độ.
Minh Anh