Bắc Giang triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn vật tư nông nghiệp giả

Trước tình trạng sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến sản xuất, cây trồng và sức khoẻ của người dân, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh và đạt kết quả tích cực.

Bắc Giang là thị trường tiêu thụ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lớn, nhất là ở các huyện trồng nhiều cây ăn quả như Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động. Đây cũng là địa bàn mà các đối tượng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng "nhắm" đến để trục lợi.

Thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng của tỉnh Bắc Giang đã phát hiện, xử lý hơn 10 vụ sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng hoặc ghi nhãn mác không đúng bản chất, sự thật về hàng hóa; thu giữ khoảng 16 tấn hàng hóa là tang vật vi phạm.

Đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra một cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại xã Đại Lâm (Lạng Giang).Đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra một cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại xã Đại Lâm (Lạng Giang).

Hiện lực lượng chức năng đã khởi tố 2 vụ, đang chuẩn bị khởi tố tiếp vụ thứ 3; lập biên bản xử lý 5 vụ, thu phạt hơn 420 triệu đồng, còn lại 3 vụ đã kiểm tra, lấy mẫu giám định, phát hiện phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đạt chất lượng theo quy định. Một số vụ cơ quan chức năng khởi tố, thu giữ số lượng lớn tang vật vi phạm xảy ra tại địa bàn huyện Lục Ngạn, “thủ phủ” vùng cây ăn quả.

Theo Thiếu tá Phạm Hữu Tùng, Đội trưởng Đội chống buôn lậu, hàng giả, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Bắc Giang, lợi nhuận từ việc sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là rất lớn (khoảng 40-50% giá trị hàng hoá bán ra).

Trong khi đó, việc nhận diện thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả của người dân (nhất là ở vùng sâu, xa, miền núi) còn hạn chế; việc kiểm tra, kiểm định chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn những khó khăn, bất cập, đòi hỏi phải có thời gian; thủ đoạn của các đối tượng vi phạm rất tinh vi (chỉ huy động người thân tham gia sản xuất, sang chiết hàng giả), … Theo đó, việc đấu tranh với vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực này gặp không ít khó khăn.

Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa vi phạm, khắc phục các sơ hở trong quản lý, góp phần bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh và hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành chức năng như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Quản lý thị trường, Công an tỉnh, các đơn vị, địa phương, thực hiện nhiều pháp đồng bộ trong đấu tranh, ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.

Cũng theo ông Vũ Trí Đồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, toàn tỉnh Bắc Giang hiện có gần 2 nghìn cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng. Thực hiện nhiệm vụ được giao, hằng năm, đơn vị đều chủ động xây dựng kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón thực hiện đúng quy định pháp luật.

Khuyến cáo, hướng dẫn người dân sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của các công ty uy tín, chất lượng; không mua bán, sử dụng các loại hàng không rõ nguồn gốc; cách nhận biết thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, kém chất lượng và tác hại của nó đối với sức khỏe con người, môi trường và năng suất, chất lượng sản phẩm trồng trọt... Trên khâu lưu thông, các đơn vị chức năng chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong kiểm tra, kiểm soát lấy mẫu kiểm định chất lượng, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, sang chiết, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, kém chất lượng.

Để ngăn chặn hành vi sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, ngoài sự nỗ lực của cơ quan, đơn vị chức năng, cần sự quan tâm vào cuộc của mỗi người dân trong nhận diện vi phạm, đấu tranh tố giác, phát giác, lên án, phê phán tẩy chay các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; hàng chứa các chất cấm, không an toàn với sức khoẻ con người, cây trồng, vật nuôi và môi trường. Ngành toà án nên đưa các vụ sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả về xét xử lưu động công khai tại cơ sở, qua đó tạo chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực này.

Bá Đoàn

Bài liên quan

Cùng chuyên mục