Bắc Giang từ tỉnh thuần nông trở thành tỉnh phát triển công nghiệp

Bằng các giải pháp linh hoạt, sáng tạo, tỉnh Bắc Giang đã bứt phá từ tỉnh thuần nông trở thành tỉnh phát triển công nghiệp. GRDP bình quân giai đoạn 1997- 2021 của tỉnh đạt 9,8%/năm. Riêng 9 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt mức kỷ lục 23,98%, là địa phương đứng đầu cả nước.

Xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế lạc hậu

Tỉnh Bắc Giang được tách ra từ tỉnh Hà Bắc vào ngày 1/1/1997 trong bối cảnh là tỉnh có xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế lạc hậu, chủ yếu nông nghiệp. Ngành công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển, cơ sở hạ tầng yếu kém, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trong tỉnh không có khu công nghiệp (KCN), doanh nghiệp (DN) chủ yếu là DN nhà nước, hiệu quả hoạt động thấp.

Một góc thành phố Bắc Giang hôm nay.Một góc thành phố Bắc Giang hôm nay.

Minh chứng là năm 1997, Bắc Giang chỉ có 1 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép hoạt động với vốn đăng ký gần 793 nghìn USD; 18 DN quốc doanh, 25 DN tư nhân và công ty TNHH.

Những năm đầu tái lập tỉnh, do thiếu nguồn lực nên các tuyến đường trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ, chưa kết nối được với cảng biển, sân bay... do đó thiếu tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước đến với Bắc Giang.

Tại hầu hết các huyện, đường giao thông nội thôn, liên thôn, liên xã cơ bản vẫn là đường đất, nhỏ hẹp. Đặc biệt là ở các huyện miền núi, vùng cao như: Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế, Lục Nam… địa hình chia cắt, giao thông cách trở khiến việc lưu thông, trao đổi hàng hóa rất khó khăn.

Ông Đồng Văn Sủng, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bắc Giang - cho biết, năm 1997, thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh chỉ đạt khoảng 160 USD/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chiếm tỷ lệ cao. Thu ngân sách của tỉnh năm 1997 chỉ đạt 135 tỷ đồng trong khi nguồn lực hỗ trợ của T.Ư hạn chế. Những điểm “nghẽn” trên là rào cản phát triển KT-XH của tỉnh thời điểm đó.

Xác định công nghiệp là trụ cột, động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế

Trước thực tế trên, Ðại hội Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2000-2005 (nhiệm kỳ Đại hội đầu tiên sau tái lập tỉnh) quyết định chuyển trọng tâm định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp sang đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Đây là dấu mốc quan trọng trong chỉ đạo phát triển kinh tế của tỉnh.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (giai đoạn 2020 – 2025) xác định 6 định hướng phát triển, trong đó nhấn mạnh phát triển toàn diện các ngành kinh tế: Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, trong đó công nghiệp là động lực chủ yếu, nông nghiệp làm nền tảng bảo đảm, dịch vụ làm điều kiện thúc đẩy. Tổ chức cơ cấu lại các ngành kinh tế theo thứ tự quy mô: Công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

Công viên Hoàng Hoa Thám, thành phố Bắc Giang.Công viên Hoàng Hoa Thám, thành phố Bắc Giang.

Xác định giao thông là “chìa khóa”, tạo động lực phát triển, Bắc Giang ưu tiên đầu tư, lồng ghép các nguồn vốn và huy động sự chung tay, đồng lòng của người dân làm đường giao thông nông thôn và công trình kết nối vươn ra các tỉnh.

Nhiều trục giao thông quan trọng của tỉnh như Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang; cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đường tỉnh 293 và các tuyến nhánh; cầu Đông Xuyên và đường dẫn; đường tỉnh 295B… đã được ưu tiên đầu tư xây dựng, những công trình này sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đã tác động tích cực đến thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp.

Để hoàn thiện kết nối đồng bộ mạng lưới giao thông, tỉnh Bác Giang tiếp tục triển khai thi công một số công trình lớn như: cầu Đồng Việt, cầu Như Nguyệt, cầu Hà Bắc (đoạn qua tỉnh Bắc Giang); tuyến đường kết nối quốc lộ 37 - quốc lộ 17 và đường tỉnh 292 cùng nhiều cây cầu kết nối đôi bờ sông và những tuyến đường liên tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh Bắc Giang cũng tập trung giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất công nghiệp thu hút nhà đầu tư. Bắc Giang hiện có 8 KCN và hơn 40 cụm công nghiệp. Trong đó, 6 KCN cơ bản lấp đầy, 2 KCN đang hoàn tất giải phóng mặt bằng, thu hút nhà đầu tư thứ cấp gồm: Tân Hưng (Lạng Giang), Yên Lư (Yên Dũng).

Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã khuyến khích dồn điền đổi thửa, ưu tiên hỗ trợ mô hình ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, vùng sản xuất tập trung; chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước

Với phương châm luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển, Bắc Giang quyết liệt chỉ đạo, thực hiện cải cách hành chính, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho DN. Qua đó, đã tạo được niềm tin, thiện cảm đối với nhà đầu tư, Bắc Giang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Toàn tỉnh hiện có hơn 1.800 dự án, tổng số vốn đăng ký gần 11 tỷ USD, trong đó có 505 dự án FDI.

Đáng ghi nhận, liên tục những năm gần đây, Bắc Giang luôn ở trong nhóm 10 tỉnh, TP dẫn đầu toàn quốc về thu hút vốn đầu tư FDI. Riêng 9 tháng đầu năm 2022, thu hút đầu tư trên địa bàn Bắc Giang đạt gần 1,1 tỷ USD, trong đó thu hút FDI đạt hơn 830 triệu USD, đứng thứ 6 cả nước.

Sau 20 năm tái lập tỉnh, Bắc Giang đã có chuyển biến mạnh mẽ. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 13,3%, vượt 2,8% kế hoạch; giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định) năm 2017 đạt 91.608 tỷ đồng, gấp 572 lần so với năm 1997. Các dự án không ngừng tăng quy mô, DN hoạt động hiệu quả đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Công nhân Công ty TNHH Crystal Matin Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu) làm việc.Công nhân Công ty TNHH Crystal Matin Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu) làm việc.

Cùng với công nghiệp, nông nghiệp phát triển khá toàn diện, mang lại những dấu ấn, điểm sáng trong bức tranh chung của nông nghiệp cả nước. Tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, tạo được sản phẩm đặc trưng có thương hiệu như: vải thiều Lục Ngạn, lúa thơm Yên Dũng, lạc giống Tân Yên, nấm Lạng Giang; cam, bưởi Lục Ngạn...

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang, GRDP bình quân giai đoạn 1997- 2021 của tỉnh đạt 9,8%/năm. Riêng 9 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt mức kỷ lục 23,98%, là địa phương đứng đầu cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản. Thu ngân sách đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 toàn tỉnh đạt 2.950 USD, tăng hơn 20 lần so với năm 1997.

Từ tỉnh thuần nông, Bắc Giang đã phát triển trọng tâm là công nghiệp, tăng trưởng dẫn đầu cả nước. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 nằm trong nhóm 15 tỉnh đứng đầu cả nước về quy mô GRDP; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng. Đây là chính thông điệp chính trị thể hiện quan điểm, tư tưởng của Đảng bộ và nhân dân Bắc Giang về những định hướng phát triển của tỉnh.

Bá Đoàn

Bài liên quan

Cùng chuyên mục