Thông tin từ huyện Tân Yên (Bắc Giang), sáng ngày 26/5 sẽ diễn ra lễ xuất hành vải sớm của huyện này đi sang thị trường Nhật Bản. Đây cũng là lô vải thiều đầu tiên của Bắc Giang xuất khẩu sang Nhật trong mùa vải năm nay.
Trao đổi trên báo chí, ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, cho biết địa phương đang bán 45.000 tấn vải sớm. Vải chính vụ còn khoảng 135.000 tấn, dự kiến bắt đầu bán từ 10/6.
"Ngày 26/5, chúng tôi làm lễ xuất hành đưa hơn 10 tấn vải VietGap đi Nhật Bản. Vải sẽ được chuyển xuống sân bay Nội Bài để xuất bằng đường hàng không. Đây là lần đầu tiên vải sớm được xuất đi Nhật, trước đó chỉ xuất vải chính vụ ", ông Tùng hồ hởi chia sẻ.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp Bắc Giang chia sẻ điều khiến ông lo lắng nhất là thương hiệu vải của tỉnh sẽ bị ảnh hưởng khi liên quan đến "vùng dịch".
Tuy nhiên, ông Tùng khẳng định: "Covid-19 ở những khu cách ly tập trung, tỉnh đã quản lý rất tốt, còn ở vùng trồng vải chẳng có vấn đề gì cả".
Năm 2021, toàn Bắc Giang có 30 mã số vùng trồng vải thiều với diện tích gần 220ha, sản lượng ước khoảng 1.800 tấn. Diện tích này tập trung tại các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Tân Yên.
Hiện có 5 doanh nghiệp đã tiến hành khảo sát vùng trồng, đang chuẩn bị các điều kiện đàm phán, ký kết hợp đồng thu mua vải với nông dân thuộc các mã số vùng trồng để xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật.
Sản lượng vải của Bắc Giang ước tính 180.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với năm ngoái
Theo Cục Bảo vệ thực vật, lô vải thiều đầu tiên của tỉnh Bắc Giang xuất khẩu sang Nhật do 3 doanh nghiệp là Ameii, Toàn cầu và Chánh Thu thực hiện, số lượng xuất khẩu khoảng 15 tấn. Hiện nay các công đoạn chuẩn bị cho xuất khẩu đã xong.
Vải thiều xuất khẩu đi Nhật Bản đều phải xử lý bằng Methyl Bromide. Trong số 3 đơn vị đảm nhận nhiệm vụ sơ chế, khử trùng, đóng gói, Công ty Toàn Cầu đã được phía Nhật Bản công nhận từ năm 2020 và năm nay tiếp tục được công nhận (theo quy định thì mỗi năm phải công nhận lại 1 lần).
Do dịch bệnh COVID-19, nên năm nay phía Việt Nam thực hiện giám sát xử lý theo quy trình tạm thời. Về phía Cục Bảo vệ thực vật sẽ triển khai bố trí nhân lực, thiết bị phục vụ việc giám sát và kiểm tra kiểm dịch thực vật cấp giấy chứng nhận tại chỗ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc xuất khẩu.
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, ngày 25/5, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến với tỉnh Bắc Giang về kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Ông Lê Ánh Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, năm nay vải thiều được mùa với sản lượng lớn 180 nghìn tấn.
Hiện tại, vải chín sớm đang cho thu hoạch, tập trung tại hai huyện Tân Yên và Lục Ngạn. Tỉnh đã thực hiện các giải pháp khoanh vùng sản xuất, bảo vệ nghiêm ngặt vùng vải không COVID-19. Ngoài ra, tỉnh còn có các loại nông sản khác như: Dưa hấu, dứa; gà (1.700 tấn), lợn (5.600 tấn)… trị giá hàng chục nghìn tỉ đồng.
Được biết, để hỗ trợ người dân tại “thủ phủ” vải, UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt chi tiết dự toán thực hiện hỗ trợ xây mới lò sấy vải thiều năm 2021 (đợt 1) cho UBND các xã, thị trấn với tổng số tiền hơn 2,4 tỉ đồng từ nguồn xúc tiến thương mại năm 2021.
Thiên Trường