Bảo đảm sản xuất, cân đối cung - cầu, bình ổn giá

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Văn bản số 8348/BCT-KHTC về việc triển khai Nghị quyết số 156/NQ-CP ngày 6/12/2022 của Chính phủ.

Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ: theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác lớn về tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư và các chính sách quan trọng khác để phân tích, dự báo, kịp thời, chủ động chỉ đạo, điều hành hoặc đề xuất các giải pháp phù hợp ứng phó với các vấn đề phát sinh, nhất là trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và bình ổn giá.

Bên cạnh đó, các đơn vị tập trung giải ngân cao nhất kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 được giao; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm công khai, minh bạch; xử lý nghiêm các vi phạm, hành vi cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thủ tục về đầu tư công; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy nhanh việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đối với Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương yêu cầu đôn đốc lực lượng quản lý thị trường trong việc thực hiện Kế hoạch về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, trong đó, tập trung các mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hàng hóa giả nhãn hiệu, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm...; các loại hàng cấm như: ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã; xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi buôn lậu, hàng giả, đầu cơ, tích trữ, găm hàng.

Cục Điều tiết điện lực phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan liên quan và Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét, quyết định thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện theo thẩm quyền theo đúng kết luận của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 151/TB-VPCP ngày 30/11/2022 của Văn phòng Chính phủ; làm tốt công tác truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

Tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm xuất khẩu và chuỗi cung ứng, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là đối với các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế; khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Đối với Vụ Thị trường trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu tiếp tục phát triển mạnh thị trường nội địa; theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả, chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả, nhất là trong những tháng cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 để giữ ổn định thị trường, giá cả.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống theo quy định; tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Theo Chinhphu.vn

Bài liên quan

Cùng chuyên mục