Đề xuất lấy Quỹ bình ổn xăng dầu bù trực tiếp vào chênh lệch chi phí

Theo Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu, để bảo đảm được cho các doanh nghiệp có khả năng nhập đúng tiến độ, số lượng cần lấy quỹ bình ổn bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước.

Tại cuộc họp của Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam - nhấn mạnh, đến thời điểm này, có thể khẳng định sức chịu đựng của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối rất kiên cường bởi những biến động khó lường của thị trường xăng dầu thế giới năm 2022.

Ông Bùi Ngọc Bảo- Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam phát biểu tại hội nghị.Ông Bùi Ngọc Bảo- Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Liên quan đến nguồn cung xăng dầu, ông Bảo cho rằng, đối với khối lượng xăng dầu Bộ giao cho các doanh nghiệp thì chắc chắn phải nhập thêm. Trong khi với giá cả hiện tại trong Quý IV, nhất là tháng 11, 12 thì premium đang ở mức trên dưới 10 USD. Như vậy, doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ hơn 1.000 đồng/lít khiến doanh nghiệp không thể thực hiện được.

Bên cạnh đó, phía ngân hàng cũng đang vận hành theo nguyên tắc phương án nhập khẩu có lợi nhuận thì mới cho vay, dù Bộ Công Thương đã có văn bản đề xuất ý kiến.

Về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Bảo đánh giá, hiện nay, chủ yếu mới có Bộ Công Thương kịp thời tháo gỡ những khó khăn liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Bộ, còn nhiều kiến nghị trong các cuộc họp trước chưa được các Bộ, ngành khác quan tâm. Đặc biệt, với chi phí tạo nguồn, dù đã kiến nghị nhưng việc thực hiện còn rất hạn chế.

Do đó, ông Bảo kiến nghị để bảo đảm nhập đúng tiến độ số lượng xăng dầu thì phải triệt tiêu chênh lệch giữa chi phí tạo nguồn nhập khẩu với trong nước theo cách thức lấy quỹ bình ổn để bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước.

Bên cạnh đó, hiệp hội cũng đề xuất Bộ Công Thương thống nhất với Bộ Tài chính để rà soát các chi phí, thay vì 6 tháng thì 3 tháng thay một lần để giảm đi chi phí nhập khẩu, cắt lỗ cho doanh nghiệp.

Cũng tại cuộc họp, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, các thương nhân đã thực hiện tổng nguồn xăng dầu trong 9 tháng đầu năm đạt khoảng 17,2 triệu m3/tấn. Trong đó, xăng đạt khoảng 91,8% tổng nguồn xăng được giao, dầu diesel đạt khoảng 83,5% tổng nguồn được giao...

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong quý IV, Bộ Công Thương dự kiến phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu (bao gồm nhập khẩu, mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước, tự sản xuất, pha chế) cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cần bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho cả nước trong mọi hoàn cảnh; thực hiện ít nhất bằng kế hoạch sản lượng đã cam kết và động viên các doanh nghiệp nâng công suất để đáp ứng nhu cầu nguồn cung tại các nhà máy sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối khẩn trương lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, hợp đồng mua bán cụ thể, chi tiết cho từng tuần, từng tháng, hàng quý và cả năm theo kế hoạch phân giao, nhất là thời điểm cuối năm.

Vì vậy, các doanh nghiệp phải phấn đấu đạt mức tối thiểu theo kế hoạch phân giao của Bộ Công Thương. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu mối, kể cả các thương nhân phân phối phải bảo đảm lượng dự trữ thương mại theo quy định, bảo đảm lượng nhưng phải đúng quy trình.

Đồng thời, ông Diên yêu cầu các địa phương phải có trách nhiệm quan tâm và kịp thời hơn trong tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn.

Duy Khánh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục