Bộ Tài chính đề xuất bổ sung áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường và dịch vụ hạn chế sử dụng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước như: đồ uống có đường; thuốc lá; kinh doanh dịch vụ trò chơi điện; rượi, bia...
Đây là đề xuất của Bộ Tài chính tại đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi.
Theo Bộ Tài chính, đối với mặt hàng thuốc lá: WHO và Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị tỷ trọng thuế tiêu dùng nên chiếm từ 66% đến 75% (từ 2/3 đến 3/4) trên giá bán lẻ thuốc lá. Theo đánh giá của WHO, WB, IMF và các đối tác phòng chống tác hại của thuốc lá thì giá bán thuốc lá của Việt Nam vẫn còn thấp do tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 38,85% (theo WHO năm 2020 khi áp dụng thuế suất thuế TTĐB 75%) trong khi tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ các nước là: Brunei 81%, Thái Lan 70%, Singapore 69%, Malaysia 57%, Indonesia 51%; Myanmar 50% và các nước phát triển Úc: 62%, Đức: 75%, Pháp 80%,..
Bộ Tài chính đề xuất bổ sung một số đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Mặc dù mặt hàng thuốc lá đã được tăng thuế suất thuế TTĐB theo lộ trình từ năm 2016-2019. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn ở mức cao. Như vậy, việc sử dụng thuốc lá, cần được tiếp tục kiểm soát hơn nữa và lộ trình tăng thuế TTĐB trong thời gian vừa qua vẫn chưa đạt mục tiêu giảm sử dụng như đã đề ra.
Đối với mặt hàng rượu, bia: Mặc dù mặt hàng bia và rượu đã được tăng thuế suất thuế TTĐB theo lộ trình từ năm 2016-2018. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh. Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo, chính sách thuế là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tác hại của rượu, bia, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do rượu, bia gây ra và khuyến nghị "Tăng thuế để tăng giá các mặt hàng rượu, bia đã được chứng minh có tác động mạnh đến giảm nhu cầu, đặc biệt người tiêu dùng có thu nhập thấp và thanh thiếu niên sẽ giảm sử dụng nhiều hơn khi thuế và giá rượu, bia tăng".
Đối với trò chơi điện tử trên mạng (game online): Bộ Tài chính cho biết đây là một loại hình giải trí gắn liền với sự phát triển của internet, có sự tương tác giữa những người chơi với nhau và giữa người chơi với máy chủ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến thông qua các thiết bị điện tử như máy tính cá nhân, máy chơi game, các thiết bị di động. Loại hình kinh doanh game hiện nay là mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia. Do vậy, cần thiết phải nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB để định hướng tiêu dùng.
Đối với đồ uống có đường: Bộ Tài chính cho biết, theo WHO, đồ uống có đường là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân và béo phì, là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường... hiện đang có mức tăng bùng nổ trong vài thập kỷ qua. WHO đã chính thức khuyến nghị tới Chính phủ các nước để tiến hành nhiều hành động nhằm khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua biện pháp đánh thuế vào đồ uống có đường để định hướng tiêu dùng. Các nước đã dần bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB: Năm 2012 chỉ có khoảng 15 quốc gia đến 2021 có ít nhất 50 quốc gia thu thuế TTĐB đối với mặt hàng này. Trong ASEAN có 06/10 nước đã thu thuế TTĐB đối với đồ uống có đường.
Hồng Anh