Cách bảo quản rau, củ, quả tươi ngon trong tủ lạnh

Tủ lạnh là vật dụng thường được các gia đình dùng để bảo quản thức ăn, trong đó có các loại rau, củ, quả. Tuy nhiên, để bảo quản rau, củ, quả lâu ngày trong tủ lạnh mà vẫn tươi ngon thì không nhiều người biết.

Ảnh minh họa.Ảnh minh họa.

Phân loại rau, củ, quả

Trước khi cho rau củ vào tủ lạnh nên phân loại rau, củ, quả. Nếu gộp chúng chung với nhau thì những loại rau, củ, quả nhanh hỏng sẽ rất khiến cho các loại rau củ bên cạnh chúng bị hỏng theo.

Hãy tách riêng các loại thực phẩm sản sinh ra khí Ethylene như cà chua, đu đủ, táo,... với các loại nhạy cảm với khí Ethylene như cà rốt, cam, rau cải,...

Với dưa chuột – một loại quả rất dễ bị hỏng, không nên để dưa chuột cùng các loại hoa quả khác, nếu không chúng rất dễ lây hỏng cho các loại rau quả để chung với nó.

Không nên để chung cam với táo. Cất táo trong tủ lạnh nếu bạn muốn kéo dài thời hạn sử dụng của chúng. Còn cam, hãy đặt trong túi lưới để không khí có thể lưu thông, bởi túi nhựa sẽ làm cho cam dễ bị mốc.

Một số loại quả có mùi khó chịu như sầu riêng thì nên để trong hộp đậy kín để tủ lạnh và các thực phẩm khác khỏi bị ám mùi.

Sau khi được nhặt đi những phần hư hỏng của rau, củ nên cho vào túi lưới hoặc gói giấy để bảo quản. Bên cạnh đó cần tránh để chèn ép các loại rau, củ, quả khiến chúng bị dập nát.

Trong điều kiện không có giấy hoặc túi lưới, có thể sử dụng túi nilon nhưng nên cắt một lỗ nhỏ để không khí có thể lưu thông, tránh bị bí hơi khiến rau, củ quả nhanh hỏng hơn.

Chú ý để nhiệt độ phù hợp khi bảo quản lạnh cho rau, củ, quả

1-4 độ C là khoảng nhiệt độ phù hợp nhất để bảo quản rau củ, còn 3,3 độ C - 5,6 độ C là khoảng nhiệt độ phù hợp với trái cây. Khoảng nhiệt độ này sẽ ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Nếu để nhiệt độ cao hơn, vi khuẩn hoạt động mạnh khiến cho rau quả nhanh hư hỏng. Ngược lại, dưới 1 độ C, rau củ sẽ bị đông, khiến chúng mất đi chất dinh dưỡng vốn có.

Không nên rửa rau, củ trước khi cho vào tủ lạnh

Nếu rửa qua trước khi cho vào tủ lạnh, độ ẩm cao khiến rau củ dễ thối hỏng. Nếu rửa rau củ trước thì nên để ráo rồi cho vào tủ lạnh. Và nhớ nên chế biến các loại rau đã rửa càng sớm càng tốt.

Chú ý, các loại rau như rau muống, rau ngót, rau dền, rau mồng tơi… thì không nên rửa trước khi cho vào tủ lạnh bởi các loại lá này đều được bao bọc bởi một lớp bảo vệ tự nhiên. Việc rửa rau trước khi bảo quản sẽ khiến loại bỏ lớp bảo vệ này làm rau nhanh hỏng hơn.

Nếu rau quá bẩn thì chỉ nên rửa thật nhẹ nhàng rồi đợi ráo nước mới đem bảo quản lạnh. Các lại rau ăn lá phải cho vào bọc nilon hoặc túi giấy rồi mới trữ trong tủ lạnh để tránh cho rau nhanh bị héo. Thời gian bảo quản rau cũng chỉ nên kéo dài tối đa 4 ngày.

Đối với nấm tươi khi sắp xếp vào tủ lạnh nên đặt lên trên cùng để tránh bị đè dập nát. Với các loại củ, trước khi chế biến cũng không nên ngâm quá lâu. Nếu các loại củ đã gọt, thái sẵn mà không sử dụng hết thì nên cho củ vào trong bọc nilon đục lỗ và bảo quản trong tủ lạnh tối đa 2 ngày nữa.

Với các loại củ su su, cà rốt bạn có thể bảo quản trong tủ lạnh được tới 10 ngày. Tuy nhiên, các loại rau, củ, quả, chúng ta càng chế biến sớm thì món ăn càng ngon.

Các loại rau, củ, quả không nên để trong tủ lạnh

Khoai lang và chuối là hai loại không nên để trong tủ lạnh. Nhiệt độ trong ngăn mát sẽ khiến chúng mất đi dinh dưỡng cần thiết. Hơn nữa, khoai lang còn bị cứng hơn còn chuối sẽ nhanh bị thâm và hỏng khi cho ra ngoài. Cà chua cũng là loại quả không nên cho vào tủ lạnh vì bảo quản lạnh sẽ khiến cà chua mất đi chất dinh dưỡng. Bạn cũng nên chú ý để một số loại trái cây chín rồi mới cho vào tủ lạnh như bơ, na, hồng xiêm,...

AN NHIÊN (theo PL&XH)

Cùng chuyên mục